Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vững dải bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cực kỳ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn cho tính mạng và tài sản nhân dân cũng như cơ sở hạ tầng ven biển. Xói lở bờ biển cũng gây nên mất rừng ngập mặn (RNM) ven biển, uy hiếp lớn đến hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ bờ biển vùng ĐBSCL. Do sức ép về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nuôi trồng, khai thác thủy sản tự phát đã trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm diện tích và chất lượng RNM, giảm vai trò phòng hộ của rừng trước những tác động tiêu cực ngày càng khó lường của BĐKH và nước biển dâng. Một bộ phận không nhỏ cộng đồng dân cư ven biển sống dựa vào rừng, các hoạt động khai thác, chặt phá rừng quá mức nhất là nạn chặt phá rừng để nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản ven rừng trong những thập kỷ gần đây đã làm suy thoái nghiêm trọng RNM. Việc phát triển diện tích nuôi tôm trong RNM ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là một tác nhân gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công tác quản lý quy hoạch và khai thác bền vững nguồn tài nguyên ven biển.

Mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý cơ sở hạ tầng đê điều nói chung, trong đó có hệ thống đê biển, cũng như chính sách trao quyền cho cộng đồng quản lý, chính sách giao khoán bảo vệ rừng, cơ chế hưởng lợi để khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có rừng phòng hộ ven biển. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý rừng. Tuy nhiên một số cơ chế chính sách chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả khi triển khai vảo thực tiễn đối với điều kiện tự nhiên, đặc điểm hiện trạng cơ sở hạ tầng ven biển, RNM, đất ngập nước cũng như điều kiện kinh tế, xã hội, tập quán của cộng đồng dân cư ven biển ĐBSCL nên chưa góp phần tạo ra động lực cho cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển RNM. Một số nghiên cứu về mô hình quản lý rừng kết hợp sinh kế bền vững tuy đã đạt được hiệu quả nhất định góp phần ổn định diện tích rừng ven biển, hạn chế tác hại của thiên tai, BĐKH nhưng chưa được nhân rộng.

Nhằm quản lý bền vững dải ven biển là quản lý, khai thác tài nguyên vùng ven biển nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đồng thời duy trì, bảo tồn các giá trị hiện có của cơ sở hạ tầng và tài nguyên, môi trường vùng bờ biển trong bối cảnh BĐKH đang tác động sâu vào đời sống kinh tế - xã hội hiện nay thì việc quản lý cơ sở hạ tầng bảo vệ bờ biển, quản lý RNM và sử dụng đất được xem là các giải pháp có tính bền vững. Do vậy, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam do PGS.TS. Trần Chí Trung đứng đầu đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vững dải bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra những kết quả sau:

1. Thực trạng cơ chế chính sách quản lý cơ sở hạ tầng đê biển, rừng ngập mặn và sử dụng đẩt ven biển ĐBSCL:

- Thực trạng cơ chế, chính sách quản lý cơ sở hạ tầng đê biển: Các chính sách hiện nay về quản lý đê điều đã tạo ra hành lang pháp lý cho công tác quản lý đê điều nói chung, trong đó có hệ thống đê biển ĐBSCL. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách quản lý sở hạ tầng đê biển ở các tỉnh ven biển ĐBSCL còn tồn tại nhiều bất cập như tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều còn khá phổ biến ở các tỉnh; quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều cần phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính; quy định về xử lý vi phạm xây dựng nhà trong phạm vi hành lang đê không phù hợp với các vi phạm về xây dựng nhà tạm, nhà tol, lều quán trong phạm vi hành lang đê phổ biến ở vùng ĐBSCL nên khó thực hiện được cho vùng ĐBSCL; lực lượng chuyên trách quản lý đê điều còn mỏng, hầu hết các tỉnh chưa thành lập được lực lượng quản lý đê nhân dân.

- Thực trạng cơ chế, chính sách quản lý rừng ngập mặn ven biển: Các chính sách như giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng, cho thuê rừng và môi trường rừng đã thúc đẩy trao quyền, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể, đặc biệt là chủ thể ngoài Nhà nước (hộ gia đình, cộng đồng, cá nhân) vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển ĐBSCL còn tồn tại các bất cập đó là: chính sách về đồng quản lý rừng còn thiếu những chính sách và cơ chế cụ thể để thực hiện đồng quản lý rừng, đặc biệt là đồng quản lý rừng ở vùng RNM ven biển làm cho khả năng áp dụng trên thực tế ở các địa phương còn gặp khó khăn; tình hình vi phạm lâm luật còn nhiều, việc sử dụng diện tích mặt nước để NTTS trong phạm vi diện tích được khoán chưa được thực hiện tốt tại nhiều nơi, người dân sử dụng quá 30% diện tích để NTTS, cá biệt một số hộ dân NTTS tới 50% diện tích rừng được giao khoán; hợp đồng khoán bảo vệ rừng rất ngắn gọn và thiếu chi tiết, khiến người dân không nắm rõ các quyền và trách nhiệm của mình do vậy vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; chính sách chi trả DVMTR chưa áp dụng rộng rãi cho RNM vì thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể.

- Thực trạng cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch sử dụng đất: chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nội dung quy hoạch sử dụng vùng đất ngập nước, đất bãi bồi còn bị bỏ ngỏ, buông lỏng quản lý do chưa có các quy định cụ thể về quản lý, sử dụng.

2. Đề xuất một số cơ chế, công cụ chính sách, mô hình quản lý đê biển, rừng ngập mặn, sử dụng đất ven biển ĐBSCL:

- Về cơ chế, công cụ chính sách, mô hình quản lý đê biển:

+ Các đề xuất điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền của lực lượng chuyên trách quản lý 39 đê điều, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều là phù hợp cho vùng ĐBSCL. Các đề xuất này là giải pháp để triển khai thực hiện các chính sách hiện nay, đồng thời cũng là cơ sở để xem xét bổ sung, sửa đổi Điều 7 của Nghị định 113/2007/NĐ-CP, Điều 20 của Nghị định 104/2017/NĐ-CP Nghị định 104/2017/NĐ-CP và Điều 5 của Thông tư 26/2009/TT-BNN để nâng cao hiệu quả quản lý đê biển vùng ĐBSCL.

+ Các quy chế mẫu về hoạt động của lực lượng quản lý nhân dân, quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều là các công cụ chính sách hữu hiệu để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đê biển vùng ĐBSCL.

+ Các mô hình quản lý đê nhân dân là phù hợp cho vùng ven biển ĐBSCL

- Về cơ chế chính sách, mô hình quản lý bền vững RNM:

+ Các đề xuất, kiến nghị cơ chế đồng quản lý đối với RNM ven biển; cơ chế, giải pháp cải thiện mối quan hệ hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng; cơ chế thực hiện chi trả DVMTR ven biển; cơ chế, giải pháp thực hiện xã hội hoá đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ ven biển là giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hiện nay. Các đề xuất này cũng là cơ sở để xem xét bổ sung, sửa đổi Điều 4 của Quyết định 07/2012/QĐ-TTg; Điều 6, Điều 8 của Nghị định 168/2016/NĐ-CP; Điều 25 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ RNM ven biển vùng ĐBSCL.

+ Các quy chế mẫu về phối hợp giữa các cấp, các ngành trong xử lý vi phạm bảo vệ rừng; quy chế phối hợp giữa Ban quản lý rừng phòng hộ với chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm thực hiện bảo vệ rừng là các công cụ chính sách hữu hiệu để nâng cao hiệu quả trong công tác tác quản lý bảo vệ RNM ven biển vùng ĐBSCL.

+ Các mô Tổ bảo vệ rừng (hợp tác quản lý rừng), đồng quản lý là hình quản lý RNM có sự tham gia của cộng đồng phù hợp cho vùng ĐBSCL.

- Về cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất ven biển:

+ Đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển; Thông tư về hướng dẫn lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với đất bãi bồi ven biển

+ Đề xuất phương pháp quy hoạch sử dụng đất có sự tham gia (PLUP)

3. Xây dựng mô hình quản lý bền vững dải ven biển đồng bằng sông Cửu Long:

- Xây dựng 3 mô hình quản lý tổng hợp RNM, cơ sở hạ tầng ven biển tại xã Long Điền Đông (Bạc Liêu), xã Vĩnh Hải (Sóc Trăng) đại diện cho vùng biển Đông và tại xã Tân Thạnh (Kiên Giang) đại diện cho vùng biển Tây.

Kết quả đánh giá hiệu quả, tính bền vững của các mô hình cho thấy các mô hình Tổ bảo vệ rừng ở xã Long Điền Đông và xã Tân Thạnh đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.Mô hình đồng quản lý rừng phòng hộ và tài nguyên thiên nhiên ấp Âu Thọ B đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường năm 2019, nhưng đến năm 2020 không đáp ứng được tiêu chí hiệu quả bền vững về kinh tế, do không có nguồn thu từ kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng.

Mô hình quản lý bền vững cơ sở hạ tầng đê biển ở các xã thí điểm là mô hình quản lý đê nhân dân gắn với các Tổ bảo vệ rừng. Các Tổ bảo vệ rừng đã bước đầu phát huy hiệu quả ban đầu thực hiện nhiệm vụ quản lý đê nhân dân.

Từ kết quả xây dựng kiểm nghiệm các mô hình, đề tài rút ra một số cơ chế quản lý bền vững cho dải ven biển vùng ĐBSCL. Các địa phương cần duy trì, tổng kết các mô hình quản lý tổng hợp RNM để nhân rộng cho vùng ven biển ĐBSCL hướng đến thực hiện chia sẻ lợi ích từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm áp lực kinh phí bảo vệ rừng cho ngân sách nhà nước.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18468/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)