Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất nội dung bồi dưỡng kiến thức truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương

Trong tiến trình phát triển của thương mại quốc tế, vấn đề Truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý đang trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu. Chính phủ các quốc gia đã xác định vai trò, vị trí quan trọng của truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm được hiểu một cách chung nhất là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Điều 18, tiêu chuẩn EC 178/2002 quy định: "truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm hoặc thức ăn gia súc, thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối". Theo đó EU yêu cầu tất cả hàng hóa đưa ra thị trường phải được dán nhãn bằng phương thức thích hợp để truy xuất được nguồn gốc. Luật chống khủng bố sinh học của Hoa Kỳ năm 2012 cũng quy định phải lưu giữ các hồ sơ khi triển khai thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các sản phẩm thực phẩm do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chịu trách nhiệm. Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization Act) của Hoa Kỳ năm 2011 cũng có qui định về tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao. Nhiều nước khác trên thế giới cũng đã đưa ra các qui định về truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng nhập khẩu theo các thủ tục nghiêm ngặt và để có thể truy xuất nguồn gốc khi gặp sự cố về chất lượng.

Là một quốc gia định hướng xuất khẩu, lấy xuất khẩu làm nguồn thu ngoại tệ đáng kể, Việt Nam cần tuân thủ đầy đủ các qui định về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ việc tuân thủ các qui định này. Đồng thời, cũng có rất ít các tài liệu đầy đủ, cụ thể liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm được tuyên truyền, phổ biến đến cộng động doanh nghiệp.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phan Phương Thảo thực hiện Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất nội dung bồi dưỡng kiến thức truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương với mục tiêu Cung cấp luận cứ khoa học và đề xuất nội dung bồi dưỡng kiến thức về truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương.

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… hay quốc gia láng giềng là Trung Quốc các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Cơ sở của thực hiện truy xuất nguồn gốc là xác định xuất xứ hàng hóa. Đó là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Tại Việt Nam, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, trong đó Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.

Việt Nam là một nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu lớn, nên ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa đóng vai trò quan trọng. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: EU, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc... ngày càng đặt ra những yêu cầu ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhằm cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Đặc biệt trong bối cảnh nước ta vừa tham gia gần 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới.

Bồi dưỡng kiến thức về truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và phát triển kinh tế theo hướng gia tăng giá trị hàng hóa trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ của các cơ sở đạo tạo trong cả nước nói chung và Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương nói riêng. Từ thực tế các khóa bồi dưỡng kiến thức liên quan đến truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý trên cả nước chủ yếu là lồng ghép với các chương trình đào tạo khác, chưa xây dựng được một chương trình đầy đủ, chuyên sâu về lĩnh vực này, Trường đã đề xuất và thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất nội dung bồi dưỡng kiến thức truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương”.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tổng quan về truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý đối với hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng; Chỉ ra những nội dung bồi dưỡng cần phải có trong quá trình xây dựng chương trình bồi dưỡng truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản; Phân tích những nhân tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến xây dựng chương trình bồi dưỡng truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản.

Nội dung Đề tài đã sử dụng kết quả điều tra, khảo sát đối với 194 cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, qua đó tổng hợp và phân tích các kết quả và rút ra các kết luận quan trọng. Đó là những nhận thức chung về truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý đối với hàng và quan trọng nhất là nhu cầu cụ thể của các đối tượng khảo sát ở hai khu vực là miền Bắc và miền Nam cho việc xây dựng chương trình bồi dưỡng truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý.

Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu và đưa ra khung chương trình bồi dưỡng truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý với một số nội dung thiết thực cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công 106 Thương. Nội dung chương trình đi sâu vào những vấn đề cụ thể liên quan đến thực hiện và quản lý truy xuất nguồn gốc và đăng ký, bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện thành công chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương – đơn vị có bề dầy kinh nghiệm về Đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18742/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)