Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất khung pháp lý về quản lý hoạt động viễn thám

Viễn thám được ứng dụng và phát triển từ lâu ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tuy nhiên công tác quản lý nhà nước về viễn thám cũng chỉ được đề cập đến trong một số năm gần đây, việc phát triển ứng dụng viễn thám từ trước đến nay ở các ngành, lĩnh vực hầu như tự phát. Sau khi thành lập Cục viễn thám quốc gia, đã có đầu mối thống nhất trong quản lý nhà nước, tuy nhiên để xây dựng hệ thống văn bản quản lý và quy hoạch phát triển lĩnh vực viễn thám với tầm nhìn chiến lược cần có thời gian nhất định.

Sau hơn năm năm đi vào hoạt động với mô hình Cục với chức năng quản lý nhà nước, Cục đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và ứng dụng viễn thám tại các Bộ, ngành, địa phương.

Hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường nói chung và viễn thám nói riêng được xây dựng, ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, so với sự phát triển nhanh chóng của tình hình thực tế, phát sinh nhiều vấn đề mới, đặc biệt là yêu cầu của cải cách hành chính, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế thì hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường vẫn còn có những hạn chế, bất cập.

Pháp luật về viễn thám tuy mới bắt đầu xây dựng nhưng cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mở cửa và hội nhập quốc tế: tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp lý cao nhất về viễn thám còn hạn chế do mới ở tầm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa xây dựng được Chỉ thị, Nghị định, Luật Viễn thám, do vậy nên hiệu quả thi hành pháp luật chưa cao, cơ chế gắn kết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám các cấp, sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng kế hoạch và các đề án, dự án về viễn thám chưa được coi trọng thi hành, các quy định về quản lý, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu viễn thám chưa đảm bảo cho việc chia sẻ, dùng chung thông tin dữ liệu viễn thám, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội; Thiếu các chế tài đủ mạnh để quản lý hoạt động viễn thám có hiệu quả, loại bỏ tình trạng khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám chồng chéo gây lãng phí đầu tư ngân sách.

Việc nghiên cứu cơ sở khoa học thực tiễn quản lý hoạt động viễn thám ở Việt Nam sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng khung chính sách đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động về viễn thám, loại bỏ những hoạt động chồng chéo, tránh lãng phí trong đầu tư ngân sách. Với nhu cầu như vậy, Cục Viễn thám quốc gia cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Tuấn Đạt cùng thực hiện: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất khung pháp lý về quản lý hoạt động viễn thám”.

Đề tài đã tổng quan được hiện trạng hệ thống vệ tinh viễn thám bao gồm cả cấu phần trên không và cấu phần mặt đất, đánh giá được hiện trạng khai thác, ứng dụng viễn thám, xu hướng phát triển của lĩnh vực và xu thế chung trong quản lý nhà nước về viễn thám trên thế giới. Theo xu thế chung, các nước đang dần luật hóa để quản lý hoạt động viễn thám, quản lý hiệu quả sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực viễn thám, cung cấp khung pháp lý về thương mại hóa theo từng giai đoạn và đảm bảo tính sẵn có và liên tục của việc cung cấp dữ liệu.

Đề tài đã nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn quản lý nhà nước về viễn thám ở Việt Nam trước và sau khi phóng vệ tinh VNREDSat-1, xác định rõ những tồn tại trong việc thi hành pháp luật về lĩnh vực viễn thám. Đề tài đã thu thập 18 văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam có liên quan đến viễn thám. Tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp lý cao nhất về viễn thám còn hạn chế do mới ở tầm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa xây dựng được Chỉ thị, Nghị định, Luật Viễn thám, do vậy nên hiệu quả thi hành pháp luật chưa cao, cơ chế gắn kết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám các cấp, sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng kế hoạch và các đề án, dự án về viễn thám chưa được coi trọng thi hành, các quy định về quản lý, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu viễn thám chưa đảm bảo cho việc chia sẻ, dùng chung thông tin dữ liệu viễn thám, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội; thiếu các chế tài đủ mạnh để quản lý hoạt động viễn thám có hiệu quả.

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám của các nước Hoa kỳ, Canada, Đức, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan và các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có liên quan đến lĩnh vực viễn thám đề làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách pháp luật không trái với điều ước quốc tế. Các nước này đều quản lý các hoạt động viễn thám như: hoạt động phóng vệ tinh viễn thám, hoạt động điều khiển vệ tinh viễn thám, hoạt động xây dựng và vận hành trạm thu nhận dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển viễn thám, hoạt động cung cấp, xử lý, khai thác dữ liệu viễn thám.

Xây dựng dự thảo hồ sơ Nghị định về hoạt động viễn thám, dựa trên các căn cứ pháp lý của Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018. Dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám đã được đăng trên Cổng thông tin Chính phủ ngày 10 tháng 7 năm 2018. Dự thảo này đã bao trùm các hoạt động viễn thám được quy định tại Luật Đo đạc và bản đồ.

Khung pháp lý về quản lý hoạt động viễn thám đã được xây dựng bao trùm tất cả các hoạt động viễn thám và các nhiệm vụ cần phải quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám. Các nghiên cứu về khung pháp lý đã phân tích rõ ràng các nhu cầu và hiện trạng hoạt động viễn thám tại Việt Nam trong giai đoạn này qua đó sẽ được áp dụng cho kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về viễn thám trong những năm tới.

Kết quả của đề tài sẽ góp phần làm cơ sở khoa học cho việc hệ thống hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám, xây dựng khung pháp lý chung về quản lý nhà nước về viễn thám. Cung cấp cơ sở thực tiễn để xây dựng các cơ chế, thiết chế cần thiết để thực hiện quản lý Nhà nước, đảm bảo hoạt động viễn thám được diễn ra có trật tự, hiệu quả, đồng thời có được những định hướng đúng đắn trong phát triển, ứng dụng công nghệ viễn thám trong các ngành có ứng dụng công nghệ này.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15853/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)