Nghiên cứu cơ sở khoa học đổi mới cơ chế, phương thức thăm dò, khai thác cát, sỏi để bảo vệ các dòng sông

Tại Việt Nam, công tác quản lý và kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi đã được các cơ quan chức năng hết sức quan tâm, các văn bản pháp luật từ Trung ương đến địa phương đã ban hành kịp thời nhằm mục đích quản lý hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi gây tổn thất tài nguyên và để lại nhiều hệ lụy, làm thay đổi dòng chảy, xói sâu lòng sông, hạ thấp mức nước ngầm, gây sạt lở bờ sông, bãi sông, làm mất đất nông nghiệp, tác động ảnh hưởng đến công trình kiến trúc, hạ tầng cơ sở và công trình phòng chống bão lụt, gây mất an toàn giao thông, tác động xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự tại địa phương nơi có hoạt động khai thác gây bức xúc cho dư luận xã hội...

Căn cứ tình hình thực tế và các lý do cấp thiết, nhằm đưa ra các giải pháp góp phần giải quyết các tồn tại như đã nêu ở trên, nhóm đề tài Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - Bộ Tài nguyên và Môi trường do TS. Nguyễn Thị Thục Anh làm chủ nhiệm đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài: Nghiên cứu cơ sở khoa học đổi mới cơ chế, phương thức thăm dò, khai thác cát, sỏi để bảo vệ các dòng sông.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả của đề tài đã nêu bật được bức tranh tổng quan tình hình nghiên cứu cát, sỏi lòng sông ở một số quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam.

- Đã nghiên cứu tổng quan về hệ thống sông lớn, sông chính ở Việt Nam và tiềm năng tài nguyên cát, sỏi lòng sông Việt Nam.

- Đã nghiên cứu hiện trạng điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác và sử dụng cát, sỏi lòng sông; thực trạng công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi lòng sông ở Việt Nam. Những tồn tại về cơ chế, phương thức thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông.

- Xác lập được cơ sở khoa học các yếu tố liên quan đến khả năng tái tạo khoáng sản cát, sỏi lòng sông và tác động ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát, sỏi đến dòng sông. Sử dụng mô hình tính toán thủy lực để dự báo khả năng tái tạo khoáng sản cát, sỏi lòng sông và dự báo các tác động ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát, sỏi đến dòng sông.

- Kiểm chứng cơ sở khoa học đối với các yếu tố liên quan đến khả năng tái tạo khoáng sản cát, sỏi lòng sông và tác động ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát, sỏi đến dòng sông làm cơ sở đề xuất các giải pháp về thăm dò, khai thác và quản lý nhà nước về khoáng sản cát, sỏi lòng sông.

Những vấn đề được đề tài nêu ra có tính khoa học, khả năng ứng dụng cao, góp phần phát triển ngành khai khoáng bền vững đặc biệt là lĩnh vực thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên đặc thù này. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước, quan tâm, đề xuất phối hợp để có thể tiếp tục hợp tác phát triển các nghiên cứu tiếp theo.

Những vấn đề chưa giải quyết trọn vẹn trong đề tài này, tập thể tác giả xin tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới. Nhóm đề tài rất mong các nhà khoa học, quan tâm, giúp đỡ, có những góp ý quý báu để tập thể tác giả có thể xây dựng chương trình nghiên cứu với quy mô sâu và rộng hơn, đặc biệt là những khu vực có yếu tố liên quốc gia góp phần phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản vật liệu, xây dựng, bảo vệ môi trường và sự bền vững cho các dòng sông.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18213/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)