Nghiên cứu áp dụng một số quy trình xác định hóa chất bảo vệ thực vật và hóa chất khử trùng trong nước ăn uống (theo QCVN01:2009/BYT) bằng kỹ thuật sắc ký
- Thứ hai - 29/06/2020 11:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nước là một nhu cầu thiết yếu cho mọi sinh vật. Không có nước, cuộc sống trên trái đất không thể tồn tại được. Hàng ngày cơ thể người cần từ 2 đến 10 lít nước cho các hoạt động bình thường. Một phần lượng nước này thông qua con đường thức ăn, nước uống đi vào cơ thể để thực hiện các quá trình trao đổi chất, trao đổi năng lượng, sau đó theo đường bài tiết mà thải ra ngoài. Ngày nay, với sự phát triển công nghiệp, đô thị và sự bùng nổ dân số đã làm cho nguồn nước tự nhiên bị hao kiệt và ô nhiễm dần. Vì thế con người phải biết xử lý các nguồn nước cấp để có được đủ số lượng và đảm bảo đạt chất lượng cho mọi nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Việt Nam là một trong những nước sử dụng nhiều HCBVTV nhất trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những năm gần đây cả nước mỗi năm sử dụng 40.000-50.000 tấn HCBVTV. Phần lớn HCBVTV ở Việt Nam còn phải nhập khẩu, song số lượng và chủng loại thuốc tăng không ngừng hàng năm. Ngày nay, đầu tư cho mục tiêu tăng năng suất, tăng sản lượng trong nông nghiệp bằng việc sử dụng HCBVTV trong phòng trừ sâu bệnh có vai trò rất quan trọng. Ngoài những hoạt chất thông thường thuộc họ chlor hữu cơ, lân hữu cơ và cúc tổng hợp thì số lượng các hoạt chất thuộc họ carbamate, phenoxycarboxylic, neonicotinoid và một số nhóm HCBVTV thuộc thế hệ mới ngày càng được ưa chuộng trong mục đích bảo vệ mùa màng. Vì vậy, bên cạnh những nhóm hoạt chất kể trên, mối quan tâm của người các nhà quản lý của công ty cấp nước hay các Trung tâm y tế dự phòng đặc biệt chú ý đến dư lượng của các hoạt chất thuộc họ carbamate, phenylurea và một số hợp chất phenol trong nước uống đóng chai, nước sinh hoạt.
Các tổ chức kiểm soát dư lượng HCBVTV và HCKT trong nước đến thời điểm này vẫn áp dụng chủ yếu các tiêu chuẩn của nước ngoài có cải tiến, tựu chung vẫn dựa trên nền tảng của phương pháp US EPA. Tuy nhiên vẫn chưa có Tiêu chuẩn Việt Nam về việc xác định các hợp chất trên trong nước ăn uống. Do đó, nhằm thiết lập quy trình xác định các hợp chất này dựa trên nền tảng của phương pháp US EPA và phù hợp với tình trạng hiện có của phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu do ThS. Huỳnh Thái Kim Ngân, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp làm chủ nhiệm nhiệm vụ đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu áp dụng một số quy trình xác định hóa chất bảo vệ thực vật và hóa chất khử trùng trong nước ăn uống (theo QCVN01:2009/BYT) bằng kỹ thuật sắc ký”.
Qua quá trình thực nghiệm thẩm định phương pháp xác định đồng thời đa dư lượng HCBVTV và HCKT trong nước sinh hoạt, nhóm đề tài đã thực hiện được các mục tiêu đề ra như sau:
- Thẩm định phương pháp, xác định IDL, MLOD, MLOQ, hiệu suất thu hồi, độ lặp lại, độ tái lặp theo hướng dẫn của SANTE/11945/2015. Tất cả các chất xác định trong phương pháp có MLOQ nhỏ hơn giá trị MRL quy định của QCVN 01/2009-BYT. Với 11 chất có MLOQ tại 0.02 µg/L; 9 chất có MLOQ tại 1 µg/L và 1 chất tại 0.2 µg/L, hiệu suất thu hồi trong khoảng 73-111%.
- Các phương pháp phân tích trong đề tài không áp dụng hoàn toàn phương pháp của EPA mà có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện sẵn có của phòng thí nghiệm, tuy nhiên vẫn đáp ứng được yêu cầu đặt ra của đề tài là đáp ứng được yêu cầu của QCVN2009-01/BYT.
- Áp dụng hướng dẫn của SANTE/11945/2015 (phiên bản mới nhất là SANTE/11183/2017) để đánh giá các thông số của phương pháp là một bước tiến mới để ngày càng nâng cao chất lượng phân tích cũng như hoàn thiện hơn hệ thống chất lượng của PTN, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng (doanh nghiệp, cơ quan chức năng) trong việc kiểm nghiệm.
Bên cạnh các kết quả thu được, đề tài vẫn còn một số hạn chế đó là: Quy trình phân tích các phenol và haloacetic acid theo phương pháp dẫn xuất để tăng độ nhạy của chất phân tích sử dụng chất tạo dẫn xuất Pentafluorobenzylbromide là chất gây chảy nước mắt, ảnh hưởng đến nhân viên thử nghiệm, gây khó khăn cho quá trình thực hiện, do đó, đề tài có các kiến nghị được tiếp tục khảo sát quy trình phân tích các phenol và haloacetic acid trên thiết bị GC/MS để sử dụng hóa chất ít độc hơn. Tiếp tục khảo sát với các hóa chất bảo vệ thực vật và hóa chất khử trùng còn lại trong quy chuẩn QCVN01/2009-BYT để xây dựng trọn bộ quy trình phân tích HCBVTV và HCKT cho phòng thí nghiệm.
Như vậy, qua thời gian nghiên cứu và thử nghiệm công phu với nhiều thí nghiệm đòi hỏi kỹ thuật cao, phương tiện đắt tiền, tập thể đề tài đã có nhiều cố gắng để đạt được một số kết quả nhất định như xác định IDL, MLOD, MLOQ, hiệu suất thu hồi, độ lặp lại, độ tái lặp theo hướng dẫn của SANTE/11945/2015. Tất cả các chất xác định trong phương pháp có MLOQ nhỏ hơn giá trị MRL quy định của QCVN 01/2009-BYT. Với 2 11 chất có MLOQ tại 0.02 µg/L; 9 chất có MLOQ tại 1 µg/L và 1 chất tại 0.2 µg/L, hiệu suất thu hồi trong khoảng 73-111%.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15447/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)