Giải pháp thúc đẩy kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Việt Nam - Hàn Quốc theo hướng bền vững

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 22/12/1992 và thiết lập quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009. Trong hơn 25 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 67 tỷ USD, tăng gấp 134 lần so với năm 1992 khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Để khai thác tốt hơn tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, tận dụng triệt để ưu đãi và thuận lợi từ VKFTA, các cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng, giải pháp đồng bộ trong việc xúc tiến các hoạt động xuất khẩu trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện các khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) cũng như đẩy mạnh hình thức xuất khẩu tại chỗ (doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam và trên toàn cầu). Trên cơ sở đó, năm 20202, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Hoàng Oanh tại Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã thực hiện đề tài: “Giải pháp thúc đẩy kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Việt Nam - Hàn Quốc theo hướng bền vững” nhằm đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Việt Nam - Hàn Quốc theo hướng bền vững.

Đề tài đã đưa ra các giải pháp chung mang tính nguyên tắc, nền tảng cần thiết thực hiện thường xuyên nhằm duy trì năng lực sản xuất, thúc đẩy thương mại song phương trong mối quan hệ gần gũi hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc nhằm giữ mức độ và nhịp độ hợp tác thương mại song phương với Hàn Quốc ổn định bền vững ở mức cao trong thời gian tới. Các giải pháp bao gồm: các giải pháp về phát triển thị trường, giải pháp về sản xuất và quy hoạch sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chiến lược, giải pháp hợp tác với Hàn Quốc, giải pháp về cơ chế chính sách. Chẳng hạn như các giải pháp về cơ chế chính sách nhấn mạnh đến:

- Triển khai hiệu quả các hiệp định đã và sẽ kí kết, các bản thỏa thuận giữa hai nước nhằm tạo ra hành lang pháp lí, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường Hàn Quốc.

- Thúc đẩy các chính sách khuyến khích cụ thể về từng nhóm ngành để đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát hàng nhập khẩu.

- Cần có chính sách thúc đẩy hình thành các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho sản xuất một cách kịp thời.

- Tăng cường các chính sách hỗ trợ ưu đãi cần thiết để các doanh nghiệp, thương nhân và hộ cá thể phát triển như các chính sách hỗ trợ về vay vốn, cho thuê đất để xây kho bãi, tạo điều kiện trong việc cấp các giấy phép…, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện cho hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, đề tài cũng đưa ra các giải pháp đối với một số mặt hàng cụ thể như dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hàng rau quả, thực phẩm chế biến và nông sản khác. Ví dụ, nhóm nông sản khác bao gồm một số loại nông sản là nguyên liệu trong ngành thực phẩm chế biến như: cà phê, cacao, macca, chè, hạt tiêu, hạt điều, cao su... Đây hầu hết là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và có vị thế tốt trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu vào Hàn Quốc ngày càng gay gắt do Hàn Quốc đẩy mạnh ký kết và thực thi các FTA, doanh nghiệp, Hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu với Hàn Quốc.

Việc thực hiện nghiên cứu Đề tài “Giải pháp thúc đẩy kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Việt Nam - Hàn Quốc theo hướng bền vững” là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18390/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)