VINIF tài trợ từ 2,5 đến 10 tỷ đồng cho 20 dự án KH&CN

Các dự án do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ sẽ không giải ngân theo thông tư, đánh giá giữa kỳ không đòi hỏi báo cáo chuyên đề; tổ chức chủ trì dự án được khoán chi theo giai đoạn, chỉ cần cam kết giữ đúng kết quả nghiên cứu và không tăng tổng kinh phí.

Đại diện VINIF chúc mừng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có dự án được tài trợ. Ảnh: Vingroup

“Nhanh kỷ lục”

Sau 6 tháng công bố nhận tài trợ các dự án khoa học và công nghệ định hướng ứng dụng, Quỹ VINIF đã chọn được 20 dự án xuất sắc nhất từ gần 200 hồ sơ đăng ký để trao tài trợ, với mức thấp nhất là 2,5 tỷ đồng.

Trong đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - nơi có 129 nhóm nghiên cứu, nhiều nhất trong số tất cả các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở Việt Nam - chiếm tới 5 dự án được tài trợ.

Dự án Công nghệ in 3D trên nền tảng máy học sâu của Đại học Công nghệ TPHCM, chủ trì bởi PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, người 5 năm liên tiếp trở lại đây có mặt trong danh sách 1% các nhà khoa học được nhiều trích dẫn nhất thế giới của Clarivate Analytics, nhận mức tài trợ cao nhất là 10 tỷ đồng.

Với dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng và triển khai hệ thống quản lý điểm đỗ xe thông minh trên phố, TS Phùng Thị Kiều Hà, Viện Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là nhà khoa học nữ duy nhất có dự án được nhận tài trợ đợt này.

Trường Đại học Fulbright Việt Nam là đơn vị duy nhất không thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ được nhận tài trợ cho dự án ứng dụng Big Data để tối ưu hóa, tăng tính kết nối cũng như độ ổn định và giảm chi phí của giao thông ở TPHCM, đặc biệt là giao thông công cộng.

Dự án này chứng minh cho một xu thế rất quan trọng - đó là nghiên cứu tích hợp và đa ngành", TS Vũ Thành Tự Anh, chủ nhiệm dự án, phát biểu tại lễ ký kết tài trợ do VINIF tổ chức chiều 19/8 tại Hà Nội. "Một trường kinh tế với nền tảng chủ yếu là kinh tế học, chính sách và thậm chí là chính trị học nhưng bây giờ chúng tôi bước sang một địa hạt mới là dữ liệu lớn. Đây là một xu thế phổ quát, nổi trội ở các trường chính sách công hàng đầu thế giới hiện nay”.

Chia sẻ về trải nghiệm nhận tài trợ của VINIF, TS Vũ Thành Tự Anh nói, điều khiến ông ngạc nhiên nhất là “thời gian từ lúc nộp hồ sơ đến khi được mời báo cáo và ngày hôm nay chúng ta đứng ở đây chỉ có hơn 3 tháng. Đó là khoảng thời gian ngắn kỷ lục mà ở Việt Nam tôi chưa bao giờ chứng kiến. Trên thực tế, chúng tôi đã từng đi nộp hồ sơ ở Viện hàn lâm KH&XH Việt Nam, ở các bộ ngành, thời gian rất dài, chi phí rất lớn và mức độ ức chế thì rất cao. Rất may là với VINIF chúng tôi chưa từng trải qua những trạng thái hay cung bậc cảm xúc như vậy. Đến lúc này, trạng thái rất là thoải mái, như những người đồng nghiệp hỗ trợ cho nhau”.

GS Vũ Hà Văn, Viện trưởng Viện Big Data, Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF, nhấn mạnh, một trong những mục đích của Quỹ là hỗ trợ các nhà nghiên cứu có thể làm việc để hiện thực hóa ước mơ, thay vì làm việc chỉ để hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể thấy, khá nhiều dự án nhận tài đợt đầu tiên này của VINIF thuộc lĩnh vực y - dược, như dự án AI-Cardio: Hệ thống trí tuệ nhân tạo chẩn đoán và tiên lượng bệnh nhồi máu cơ tim dựa trên siêuâm tim (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội); Nghiên cứu phát triển cảm biến khí nano ứng dụng trong IoT định hướng chẩn đoán bệnh không can thiệp (ITIMS, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội); Phát hiện và cảnh báo vi khuẩn kháng kháng sinh bằng công nghệ giải trình tự ADN và phân tích dữ liệu lớn (Viện nghiên cứu Y Dược Quân sự, Học viện Quân Y); Xây dựng mô hình loại cây dược liệu Việt Nam dựa vào lá cây và bộ cơ sở dữ liệu về tính năng của các cây dược liệu Đại học Sài Gòn); Nghiên cứu phát triển giá trị chẩn đoán một số rối loạn tâm thần sử dụng hệ thống quang phổ cận hồng ngoại cầm tay (Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội); Ứng dụng công nghệ di truyền tiên tiến trong chẩn đoán sớm ung thư gan nguyên phát ở bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B (Viện nghiên cứu Khoa học y dược lâm sàng 108, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Bên cạnh đó, còn các dự án thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu, giao thông thông minh, nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên…

Để nhận tài trợ, các dự án đều đã trải qua vòng xét chọn trong nước, thẩm định nước ngoài và thuyết trình bảo vệ.

Tổng kinh phí đối ứng của các dự án là 70 tỷ, tương đương 36%.

Không giải ngân theo thông tư

Theo Quỹ VINIF, kinh phí tài trợ được sử dụng để chi trả cho lương của thành viên dự án, chi phí thuê chuyên gia trong nước và quốc tế; mua nguyên, nhiên, vật liệu và các vật tư, dụng cụ; mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thực hiện công bố quốc tế và đăng ký sáng chế…

Ngoài ra, Quỹ VINIF cũng hỗ trợ các dự án những nguồn lực khác như giới thiệu, cung cấp chuyên gia tư vấn, cung cấp cơ sở dữ liệu lớn và sở hữu trí tuệ từ Vingroup. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện đầu ra cho các dự án nghiên cứu, VINIF sẽ hỗ trợ giới thiệu, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp của nghiên cứu vào thực tế; giúp đăng ký và bảo hộ bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; tìm kiếm nguồn đầu tư sau dự án để tiếp tục hoàn thiện và phát triển sản phẩm.

Ngay trong tháng 8/2019, các dự án sẽ bắt đầu nhận tài trợ để triển khai, với mục tiêu đạt được tối thiểu 1 trong 4 yêu cầu: Có bài báo công bố trên tạp chí quốc tế hoặc các tổ chức nghiên cứu có uy tín xếp hạng Q1 hoặc tương đương; Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng; Chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; Đào tạo thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ trong nước.

Với nguyên tắc hoạt động phi lợi nhuận, các tài sản mua sắm và hình thành từ dự án như sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ cùng các kết quả dự án khác hoàn toàn thuộc về chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu hoặc tổ chức chủ trì.

Trao đổi với báo Khoa học và Phát triển, đại diện quỹ VINIF, cho biết, các dự án sẽ được cấp kinh phí theo ba đợt, trong đó đánh giá giữa kỳ không đòi hỏi báo cáo chuyên đề mà chỉ cần báo cáo sản phẩm. Việc giải ngân không tiến hành theo thông tư, theo năm tài chính; thủ tục giải ngân gọn nhẹ, tổ chức chủ trì được chủ động điều chỉnh các khoản chi và tiến độ, miễn là không thay đổi kết quả cuối cùng và không tăng tổng kinh phí.

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VINIF) được tập đoàn Vingroup thành lập ngày 21/08/2018 với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng liên quan đến Big Data và hướng tới kết quả có tác động xã hội lớn, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao tại nước ngoài tham gia nghiên cứu.

Để được nhận tài trợ, chủ nhiệm dự án phải là nhà khoa học có bằng tiến sĩ, đã có kinh nghiệm và thành tựu; số lượng người nước ngoài tham gia dự án không vượt quá 30%. Trường hợp chủ nhiệm dự án là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thì cần có thời gian làm việc trong nước tối thiểu 3 tháng/năm trong thời gian chủ nhiệm dự án.

Bên cạnh tài trợ cho các dự án nghiên cứu, VINIF còn tài trợ học bổng cho các sinh viên tài năng của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và y dược.

Báo KH&PT