Đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật đợt 1 năm 2019

Ngày 26/01/2019, tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Quỹ) đã tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật (KHTN&KT) đợt 1 năm 2019. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ; ông Đỗ Tiến Dũng- Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cùng 72 nhà khoa học là thành viên của 8 Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành thuộc lĩnh vực KHTN&KT.


Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng- Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cung cấp một số thông tin chung về Chương trình NCCB KHTN&KT, kết quả và định hướng thực hiện cũng như đánh giá tình hình tài trợ năm 2019 đợt 1 lĩnh vực KHTN&KT.

Trong đợt 1 năm 2019, Quỹ đã tiếp nhận 259 hồ sơ đề nghị tài trợ lĩnh vực KHTN&KT, trong đó Vật lý là ngành có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất với 59 hồ sơ. Kết quả thống kê cho thấy, các hồ sơ đăng ký xét chọn tài trợ năm 2019 tiếp tục có xu hướng cân bằng hơn so với giai đoạn trước về tỷ lệ hồ sơ giữa các vùng miền trong cả nước, giữa các khối trường đại học và viện nghiên cứu. Đặc biệt, tỷ lệ các nhà khoa học trẻ đăng ký chủ trì các đề tài nghiên cứu trong hồ sơ xét chọn đợt 1 năm 2019 vẫn chiếm ưu thế, điều này thể hiện xu thế hỗ trợ của Quỹ đối với các nhóm nghiên cứu trẻ, có năng lực chuyên môn cao.

Định hướng cho những năm tiếp theo, TS. Đỗ Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian tới Quỹ sẽ tiếp tục tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia; Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; Phát triển nguồn lực KH&CN; Thúc đẩy trao đổi học thuật, hợp tác quốc tế trong NCKH; Tập trung nguồn lực tài trợ NCCB, bố trí nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Tại Hội nghị, các đại biểu là thành viên HĐKH ngành lĩnh vực KHTN&KT đánh giá cao tính minh bạch trong hoạt động của Quỹ từ khâu tiếp nhận, đánh giá hồ sơ đến xét duyệt, cấp kinh phí, nghiệm thu, công nhận tầm ảnh hưởng của Quỹ đến việc nâng cao số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các nghiên cứu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề cần điều chỉnh, trong xét duyệt ngày công lao động, tiêu chí đề xuất, thực tế triển khai hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh, chính sách cho nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc),…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ghi nhận những ý kiến phát biểu của các nhà khoa học đồng thời đánh giá cao đóng góp của các nhà khoa học trong HĐKH chuyên ngành. Thứ trưởng đánh giá cao cách thức hoạt động minh bạch cũng như nỗ lực lớn của CQĐH Quỹ, trải qua giai đoạn khó khăn, đến nay Quỹ đã đi vào hoạt động tương đối ổn định, đưa khoa học Việt Nam tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Trên cơ sở ý kiến của các HĐKH chuyên ngành, Thứ trưởng đề nghị CQĐH Quỹ có kế hoạch làm việc cụ thể, đề xuất điều chỉnh phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện việc thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ. Bên cạnh đó, Quỹ cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hỗ trợ trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, tăng cường kết nối, phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN