Chiến lược nào cho ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam?

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tác động bao trùm, giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống và do đó giúp nâng cấp toàn bộ nền công nghiệp của một quốc gia trên phương diện năng suất và năng lực đổi mới sáng tạo. Vấn đề mang tính chiến lược đặt ra đối với Việt Nam là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các thế mạnh của mình để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn?

Hình 1: Đề xuất chiến lược phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của SHTP

Vai trò, vị trí chiến lược của ngành vi mạch bán dẫn

Nói về vai trò, vị trí chiến lược của các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn, năm 1989, Pistoria, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của SGS Thomson Microelectronics (1) đã nhận định: “Không một xã hội công nghiệp mạnh nào có thể tồn tại nếu không có ngành công nghiệp điện tử mạnh, năng động và... một ngành công nghiệp điện tử mạnh không thể tồn tại nếu không có sự tiếp cận có kiểm soát (2) đối với công nghệ bán dẫn tiên tiến” (3). Thực tiễn công nghiệp hóa của các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là minh chứng sống động cho nhận định này của Pistoria. Nhận định này đến nay không chỉ vẫn còn đúng mà nó còn đúng hơn bao giờ hết và tác động, tính chất nền tảng của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn còn được nhân lên nhiều lần trong thời đại của chuyển đổi số trong đó vi mạch là linh kiện cốt lõi của các sản phẩm và dịch vụ số (4). Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tác động bao trùm, giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống và do đó giúp nâng cấp toàn bộ nền công nghiệp của một quốc gia trên phương diện năng suất và năng lực đổi mới sáng tạo. Theo số liệu kinh tế năm 2016 của Liên minh Châu Âu thì 1 điểm phần trăm tăng trưởng trong ngành vi mạch bán dẫn sẽ tạo ra 7 điểm phần trăm tăng trưởng trong ngành điện tử và tám trăm (800) điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Liên minh Châu Âu (5).

Trong những năm gần đây, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Anh… đều có sự dịch chuyển chính sách phát triển ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn nhằm tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, gia tăng khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng trước những rủi ro xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại hay dịch bệnh. Đây cũng là trung tâm của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và là động lực chính của các nước đang nắm giữ “các điểm chốt (6)” của ngành công nghiệp bán dẫn (7),

Năm 2016, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ chi 150 tỷ USD cho đến năm 2026 để phát triển lĩnh vực sản xuất chip có khả năng sản xuất chip tiên tiến.

Năm 2017, Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty viễn thông ZTE, buộc ZTE phải nộp phạt 892 triệu USD vì đã cung cấp thiết bị liên lạc cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Tehran. Tuy nhiên, mục tiêu chính của gói trừng phạt là Huawei, công ty được định vị trở thành nhà cung cấp chính công nghệ 5G toàn cầu, làm dấy lên lo ngại rằng thiết bị Huawei có thể được sử dụng để do thám Hoa Kỳ và các đồng minh. Chính phủ Mỹ đã duy trì và mở rộng chế độ trừng phạt này thông qua một loạt hành động điều hành và Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022. Lệnh trừng phạt bao gồm các biện pháp ngăn cản các công ty và công dân Hoa Kỳ làm việc với các công ty sản xuất chip của Trung Quốc, đồng thời khiến các công ty Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các công nghệ cần thiết để sản xuất chip tiên tiến. Đạo luật CHIPS cũng tìm cách tăng cường sản xuất vi mạch nội địa ở Mỹ thông qua cam kết đầu tư tổng cộng 52,7 tỷ USD (Kannan & Field Noise, 2022).

Nhật Bản cũng đã khởi động một chương trình đầu tư công nghiệp quy mô lớn nhằm tìm cách chuyển một số hoạt động sản xuất chip trở lại Nhật Bản thông qua việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 8,6 tỷ USD (Sposato, 2023). 40% của nhà máy này sẽ được tài trợ bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đồng thời thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân Nhật Bản, đặc biệt là Sony. 

Tháng 2 năm 2022, EU thông qua Đạo luật Chips Châu Âu, có tổng trị giá 45 tỷ USD (Cota, 2022).

Nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu mở ra cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Gần đây, Ấn Độ rất quyết tâm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn. India Semiconductor Mission (ISM) ra mắt vào cuối năm 2021 với tổng vốn đầu tư là 30 tỷ USD với mục tiêu biến Ấn Độ thành một trung tâm chính về sản xuất, thiết kế và đóng gói chip (8). Thông qua ISM, Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một giải pháp gia công chip thay thế trong thị trường gia công ngày càng cạnh tranh của thế giới.

Với những lợi thế về địa chính trị, độ mở của nền kinh tế, nguồn nhân lực và những nền tảng ban đầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được tạo dựng trong gần 20 năm qua, Việt Nam đang được đánh giá có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo sự tiếp cận có kiểm soát đối với ngành công nghiệp trọng yếu này nếu có những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư từ các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển và phát triển năng lực công nghệ trong nước.   

Hiện trạng ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn Việt Nam

Thu hút dự án đầu tư của Intel vào Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) năm 2006 là cột mốc lớn thứ hai đánh dấu nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành vi mạch bán dẫn, sau cột mốc quan trọng đầu tiên là Dự án Z181 được dẫn dắt bởi Giáo sư Trần Đại Nghĩa ngay sau khi thống nhất Đất nước năm 1975. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) năm 2005, và Phòng thí nghiệm Công nghệ nano (LNT), nay là Viện Công nghệ nano (INT).

Năm 2010, vi mạch bán dẫn được bổ sung vào danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục hiện diện trong các Quyết định thay thế quyết định này cho đến nay.

Năm 2012, vi mạch được xác định là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2012, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013 -2020, tầm nhìn đến năm 2030, được điều chỉnh, bổ sung năm 2017, khẳng định quyết tâm của Thành phố trong phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.   

Có thể nói, giai đoạn gần 20 năm qua là giai đoạn mà Việt Nam, mà đầu tàu là TP. Hồ Chí Minh đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán giúp Việt Nam xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Căn cứ vào dữ liệu được công bố trên Cổng thông tin KH&CN quốc gia, tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, 635 công bố quốc tế liên quan đến vi mạch. Điểm đáng chú ý là, hiện nay Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TP. Hồ Chí Minh (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Cùng với thiết kế vi mạch, lĩnh vực đóng gói vi mạch (IC packaging) cũng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Intel tại SHTP với tổng vốn đầu tư tích lũy đến nay hơn 4,1 tỷ USD. Hệ sinh thái các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của nhà máy đóng gói Intel cũng từng bước được hình thành và củng cố cùng với sự phát triển của dự án Intel.

Việc các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đi theo Samsung vào Việt Nam như trường hợp của của Công ty SNST&Finger Vina tại SHTP và CoAsia tại Hà Nội, và gần đây là các dự án nhà máy đóng gói và thử nghiệm vi mạch của Amkor tại Bắc Ninh và của Samsung tại Thái Nguyên cho thấy quy mô của ngành điện tử Việt Nam đã đủ lớn (9) để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong các khâu thiết kếđóng gói. Gần đây, Công ty Infineon mở Văn phòng thiết kế tại Hà Nội để phục vụ khách hàng của mình là Vinfast là một ví dụ sinh động khác của vai trò của các công ty điện tử đối với sự phát triển của ngành vi mạch. Những sự vận động trên của các ngành điện tử, vi mạch Việt Nam cho thấy nhận định của Pistoria cách đây gần 35 năm vẫn còn nguyên giá trị.   

Chiến lược nào cho ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn Việt Nam?

Vấn đề mang tính chiến lược đặt ra đối với Việt Nam là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các thế mạnh của mình để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn?

Căn cứ trên hiện trạng, thế mạnh của Việt Nam, Việt Nam có thể thực hiện 3 mũi đột phá chiến lược sau:       

Thứ nhất, tiếp tục củng cố thế mạnh của Việt Nam trong các khâu thiết kế và đóng gói vi mạch bán dẫn, trong đó đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có vai trò trọng yếu trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiệm vụ chiến lược.

Thứ hai, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch “Make in Viet nam” phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu.

Thứ ba, kiên trì tìm kiếm các cơ hội tham gia sâu vào khâu sản xuất vi mạch, trước hết là tập trung vào các công nghệ chế tạo vi mạch được sử dụng phổ biến để từng bước tiếp thu và làm chủ công nghệ sản xuất vi mạch. 

Để hỗ trợ triển khai các đột phá chiến lược trên, Việt Nam cần phải triển khai đồng thời các giải pháp chiến lược sau:

Thứ nhất, thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ cấu kinh tế của thế giới đang có những sự tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, thay cho yếu tố chi phí, năng lực sáng tạo các giá trị mới trở thành là yếu tố cốt lõi của cạnh tranh toàn cầu trong Thế kỷ XXI, và nguồn lực sẽ tập trung về những nơi có năng lực sáng tạo các giá trị mới. Để thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cần có tư duy và cách tiếp cận hệ sinh thái.       

Thứ hai, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, cấu phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn và tập trung thu hút các dự án đầu tư xoay quanh những khâu và công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh và giúp Việt Nam có thể nâng cấp năng lực công nghệ, mà cụ thể là tiếp thu, ứng dụngsáng tạo công nghệ.    

Thứ ba, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn thông qua đồng thời tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học và công nghệ và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại các nước tiên tiến, đặc biệt là tại thung lũng Silicon trở về trong nước để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Đối với việc đào tạo nhân lực, ngoài việc mở rộng quy mô và mở mới các chuyên ngành đào tạo về điện tử, vi mạch tại các trường đại học kỹ thuật lớn trong cả nước, cần hướng đến việc mở mới các trường đại học, học viện chuyên sâu về điện tử, vi mạch để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh các ngành này. Để đảm bảo về chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực trình độ trên đại học, cần thiết phải quan tâm, đầu tư đồng thời cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư nâng cấp các viện nghiên cứu chuyên ngành điện tử, vi mạch trực thuộc các Bộ chuyên ngành nhằm góp phần nâng cấp năng lực công nghệ của Việt Nam. Song song với việc phát triển nguồn nhân lực trong nước, cần thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá trên cơ sở kết hợp đồng thời việc khai thác tinh thần dân tộc, khát vọng cống hiến và đảm bảo các quyền lợi tương xứng về vật chất để thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tại các nước phát triển trở về trong nước, giúp chuyển giao tri thức vào trong nước, qua đó giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ và cho phép Việt Nam có thể đi thẳng, đi nhanh vào các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.   

Thứ tư, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh, có thể hỗ trợ cho việc thực hiện các mũi đột phá chiến lược nêu trên của Việt Nam trong bối cảnh hệ sinh thái ngành công nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu các yếu tố cần thiết, ví dụ như chưa có các nhà máy sản xuất vi mạch.

Thực hiện đồng thời các giải pháp chiến lược nêu trên sẽ giúp Việt Nam nâng cao được năng lực cốt lõi để phát triển năng lực công nghệ, tức năng lực tiếp thu, ứng dụngsáng tạo công nghệ giúp không ngừng cải thiện các yếu tố cạnh tranh như chất lượng, sự linh hoạt, tốc độ giúp Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch. Ngược lại, việc thâm nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị cũng sẽ từng bước giúp cải thiện các yếu tố cạnh tranh.

Sứ mệnh của Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh trong phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn Việt Nam:

Tại SHTP, chúng tôi đang đặc biệt xem xét các lợi thế của “Chiến lược chuyên môn hóa thông minh”, việc hình thành phân cụm (Cụm đổi mới) và vai trò của các “Mạng lưới tri thức và công nghệ” đang nổi lên trở thành trọng tâm chiến lược phát triển của các khu công nghệ theo ngành, dựa trên tiềm lực KH&CN của địa phương, sự hợp tác chặt chẽ của trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty tăng trưởng cao, tạo thành hệ thống các cụm, mạng lưới đổi mới dưới sự chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của Chính phủ.

Với tầm nhìn xa về chính sách, chúng tôi đang đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh và Chính phủ bổ sung các chức năng, nhiệm vụ cho SHTP để nắm bắt các xu thế mới, thông qua quy hoạch các không gian phát triển, cơ sở hạ tầng mới để phát triển các phân cụm, khuyến khích phát triển “cộng đồng công nghệ” kinh doanh phi chính thức và tương tác xã hội, qua đó cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức.

Với vai trò là khu công nghệ cao quốc gia, chúng tôi xác định rõ sứ mạng của mình trong tiên phong, dẫn dắt phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn cho đất nước, trong đó trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp công nghệ trong nước; hướng phát triển “chuyên môn hóa thông minh” theo ngành, tập trung vào: “xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược cho quốc gia, tập trung vào các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp sinh học, công nghiệp hàng không-vũ trụ với trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp trong nước, hướng tới tạo ra tri thức và tạo ra giá trị kinh tế bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng chuyên biệt và đảm bảo một môi trường thân thiện cho đổi mới; kích thích và quản lý dòng chảy tri thức và công nghệ giữa các trường đại học, tổ chức R&D, doanh nghiệp và thị trường; tạo điều kiện cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp công nghệ thế hệ mới thông qua các quy trình ươm tạo, khởi nghiệp và chuyển giao tri thức; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tạo việc làm thu nhập cao; hoạt động như một chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế khu vực và các mạng lưới toàn cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quốc tế hóa các doanh nghiệp của Việt Nam”.

Thí điểm thực hiện chiến lược trên, trong thời gian qua chúng tôi đã thí điểm đổi mới hoạt động trong xúc tiến đầu tư, gắn với phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch; thí điểm thành lập các trung tâm đào tạo, ươm tạo lĩnh vực điện tử (IETC), vi mạch bán dẫn (SCDC) trên cơ sở huy động một cách sáng tạo các nguồn lực công, tư nhằm bổ khuyết cho hệ sinh thái các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, hỗ trợ hình thành các công ty khởi nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo các ngành này. Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) là trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế IPC đầu tiên tại Việt Nam, giúp nâng cấp tiêu chuẩn nguồn nhân lực và tiêu chuẩn cung ứng dịch vụ của các công ty điện tử Việt Nam. Trung tâm SCDC cung cấp li-xăng các phần mềm thiết kế vi mạch đến các trường, viện thông qua mạng riêng ảo (10) (VPN); tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch, cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đóng gói và thử nghiệm vi mạch, kết nối doanh nghiệp với nhà nghiên cứu, xây dựng thị trường thiết kế vi mạch cho Việt Nam và hợp tác với các trung tâm thiết kế vi mạch của các quốc gia khác như: MOSIS (Mỹ), CMP (Pháp), IMEC (Bỉ), CIC (Đài Loan), IDEC (Korea), VDEC (Nhật Bản). Các chương trình đào tạo của IETC và SCDC được phát triển trên cơ sở hợp tác giữa các chuyên gia người Việt Nam trong nước và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời chúng tôi cũng đang thúc đẩy thành lập Hội vi mạch bán dẫn Việt Nam, tăng cường liên kết, hỗ trợ các Trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ liên quan đến công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn thông qua các trung tâm IETC và SCDC.

Chúng tôi đang lên kế hoạch kiến nghị với UBND TP. Hồ Chí Minh và Chính phủ có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong SHTP đầu tư dài hạn cho R&D cho các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn vì chu kỳ R&D trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có thể rất dài, đôi khi kéo dài hơn mười năm và các công ty thường không nhận được lợi nhuận ngay lập tức (11). Vai trò “kiến tạo” của Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn như điện tử, vi mạch bán dẫn. Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn để Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng vi mạch, bán dẫn toàn cầu. Cần có các chương trình tuyên truyền, quảng bá về vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam rộng rãi hơn. Cần có chương trình kết nối đội ngũ trí thức Việt Nam, chuyên gia đầu ngành về vi mạch, bán dẫn trên thế giới với các trường đào tạo, doanh nghiệp trong nước để hợp tác kinh doanh, tiếp thu kiến thức, công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực này. Đồng thời, các khu công nghiệp, công nghệ cao cần sớm thành lập Mạng lưới các khu công nghiệp, công nghệ cao để tăng cường kết nối giữa các bên liên quan, trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực hợp tác và khả năng hấp thụ cũng được tích lũy, hướng tới mục tiêu và tầm nhìn chung trong việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp chiến lược, mũi nhọn cho quốc gia.

Nguyễn Anh Thi (Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; Thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia giai đoạn 2021-2030; Thành viên Ban soạn thảo Chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035)

 

Ghi chú:

1) Nay là STMicroelectronics (thường được gọi đơn giản là ST), được đánh giá là doanh nghiệp bán dẫn lớn thứ 15 thế giới năm 2023 bởi Brand Finance (brandirectoy.com/semiconductors).

(2) Do tính chất phức tạp của chuỗi cung ứng, yêu cầu năng lực công nghệ và vốn rất lớn nên không một quốc gia nào có đủ tiềm lực để kiểm soát được hoàn toàn chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn theo nghĩa “tự cung, tự cấp hoàn toàn”. 

(3) Strategic industries in a global economy: policy issues for the 1990s, OECD international futures programs (1991).

(4) Vi mạch trong chuyển đổi số (Đặng Lương Mô, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2023).

(5) Boosting Electronics Value Chains in Europe, A report to Commissioner Gabriel (2019).

(6) Choke point

(7) Mỹ, Nhật, Châu Âu và Đài Loan

(8)  Bộ Điện tử & CNTT, Chính phủ Ấn Độ, 2022.

(9)  Các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện đã, đang nổi lên vai trò chi phối ngày càng cao với vị trí là nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này đang tiến dần tới mốc 100 tỷ USD/ năm (năm 2019 đạt 87 tỷ USD, năm 2020 đạt gần 96 tỷ USD) với tỷ trọng ngày càng tăng, chiếm tới 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020. Nhờ đó góp phần lớn giúp cán cân thương mại xuất - nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước kể từ năm 2016 và đạt trị giá xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD trong năm 2020.

(10 Mặc dù nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro, trong một thời gian dài, nhưng các công ty bán dẫn đã chứng minh rằng các khoản đầu tư dài hạn, táo bạo cuối cùng có thể mang lại lợi nhuận đáng kể. Chẳng hạn, ASML đã dành 17 năm và khoảng 7 tỷ đô la để phát triển công nghệ in thạch bản cực tím, bao gồm khả năng sản xuất công nghệ này với số lượng lớn. Dòng thời gian R&D dài rất đáng giá, vì công cụ này hiện là nguồn doanh thu chính của ASML. Tương tự, Arm đã dành sáu năm để phát triển bộ xử lý điện toán 64-bit, hiện là nguồn doanh thu đáng kể của công ty; Các công ty khác đầu tư nhiều vào các dự án R&D dài hạn có thể giúp thúc đẩy những bước nhảy vọt về công nghệ có thể giúp cải thiện xã hội. Ví dụ, việc tạo ra các chip chuyên dụng cho điện toán lượng tử có thể cải thiện quá trình phát triển dược phẩm, các chương trình bền vững và các sáng kiến ​​khác trong các ngành công nghiệp. Trong hầu hết các trường hợp, các công ty bán dẫn đang tập trung vào việc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực mà họ đã có thế mạnh, thay vì phân nhánh sang các lĩnh vực mới để mở rộng lợi thế công nghệ của họ hơn nữa.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bateman, J. (2022). Biden hiện đang dốc toàn lực để loại bỏ Trung Quốc. Chính sách đối ngoại.https://foreignpolicy.com/2022/10/12/biden-china-semiconductor-chips-exports decouple/.

2. Byrne, J., Somerville, G., Byrne, J., Watling, J., Reynolds, N., & Baker, J. (2022) Silicon Lifeline: Điện tử phương Tây ở trung tâm của cỗ máy chiến tranh của Nga Viện Dịch vụ Hoàng gia United. https://rusi.org/explore-our-research.

3. Cota, J. (2022). Đạo luật chip châu Âu: Chiến lược mở rộng chất bán dẫn Khả năng phục hồi sản xuất. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. https:// www.csis.org/blogs/perspectives-innovation

4. Freifeld, K. (2022). Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc giúp ZTE che giấu hoạt động kinh doanh với Iran Reuters. https://www.reuters.com/business/media-telecom/us-accuses chinese-company-helping-zte-hidebusiness-with-iran-commerce-dept-2022-08-09

5. Harris, B. (2023). Lệnh cấm vi mạch của Biden đang hạn chế các nỗ lực vũ khí AI của Trung Quốc như thế nào Tin quốc phòng. https://www.defensenews.com/global/asia pacific/ 2023/01/12/how-bidens-microchip-ban-is-curbing-chinas-ai-weapons-efforts/.

6. Hille, K., & Sevastopulo (2022). TSMC: nhà sản xuất chip Đài Loan bị cuốn vào cuộc chiến tranh lạnh công nghệ. Thời báo tài chính. https://www.ft.com/content

7. Sposato, W. (2023). Nhật Bản muốn sản xuất chất bán dẫn trở lại quê hương để làm thất vọng Trung Quốc Chính sách đối ngoại. https://foreignpolicy.com/2023/01/09/japan

8. Kharpal, A. (2022). Samsung đặt mục tiêu tăng gấp ba sản lượng chip tiên tiến nhất vào năm 2027. CNBC. https://www.cnbc.com/2022/10/04/samsung-aims-to-triple-production for-most-advanced-chipsby-2027

9. Kannan, V., & Feldgoise, J. (2022). Sau Đạo luật CHIPS: Giới hạn của Reshoring và các bước tiếp theo cho chính sách bán dẫn của Hoa Kỳ. Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. https://carnegieendowment.org/2022/11/22/after-chips-act-limits of-reshoring-and-next-steps-for-ussemiconductor-policy-pub-88439

10. Wübbeke, J., Meissner, M., Zenglein, MJ, Ives, J., & Conrad, B. (2016) Made in China 2025. Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator. https://merics.org/sites/default/files