Bước đầu nghiên cứu nhân giống cây Riềng ấm (Alpinia zerumbet.)
- Thứ sáu - 30/08/2019 14:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cây Riềng ấm (Alpinia zerumbet) thuộc họ gừng (Zingiberaceae) là loài cây lâu năm, phát triển rộng rãi ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới, được trồng phổ biến ở một số quốc gia vùng Đông Á. Cây cao 2-3 m, rễ to, mập. Lá có phiến to, dài 25 - 70 cm, rộng 6 - 10 m, cuống dài 2 - 5 mm, mép cao 1,2 cm. Cụm hoa ở ngọn, rủ xuống, dài 20 - 40 cm, trục đầy lông, lá bắc cong dài 20-30 mm làm thành bao trắng, chóp; đài cao 2cm; cánh hoa 2,5cm, môi dài 3,5cm, vàng có sọc đỏ; nhị dài khoảng 25mm; bầu vàng, đầy lông. Quả to, đường kính 2cm, đỏ, có lông.
Từ nhiều thế kỷ qua, Riềng ấm được người dân ở các nước như Brasil, Trung Quốc, Inđônêxia, Philipin, Thái Lan,…, sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian như điều trị vết loét, đau nhức cơ, tăng huyết áp, tim mạch…
Với thành phần chủ yếu là khoảng trên 20 polyphenol có hoạt tính sinh học cao như axit chlorogenic, axit ferulic, quercetin, epicatechin, catechin, và kaempferol... Một số nghiên cứu cho thấy cây Riềng ấm có tác dụng giảm nguy cơ bệnh tim mạch và một số bệnh mãn tính, kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon miệng. Ngoài ra một số loại polyphenol còn có tác dụng tăng cường miễn dịch, phòng chống nhiễm khuẩn.
Lá Riềng ấm lên men có chứa một hàm lượng lớn Quercetin (29mg/100g). Quercetin cũng có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế quá trình cyclooxygenase và lipoxygenase giúp ngăn chặn việc sản sinh các chất trung gian gây viêm. Quercetin cũng có ảnh hưởng đến các nguyên bào xương qua NF-kappaB giúp phát triển xương tối đa.
Với đặc tính chứa nhiều thành phần các chất có hoạt tính sinh học có giá trị, cây riềng ấm được xem là một loại thần dược ở Nhật Bản. Tuy nhiên với yêu cầu điều kiện sinh thái của cây riềng ấm thì ở Nhật Bản chỉ có đảo Okinawa là thích hợp cho cây riềng ấm phát triển. Trong khi điều kiện thời tiết khí hậu ở Việt Nam rất thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây Riềng ấm, vì vậy có thể phát triển vùng nguyên liệu để xuất khẩu và chế biến thành các sản phẩm dinh dưỡng. Nhưng hiện 2 nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào để trồng cây riềng ấm cũng như nhân giống để tạo vùng nguyên liệu cũng như nghiên cứu xây dựng công nghệ để sản xuất các thực phẩm chức năng, dược phẩm từ cây riềng ấm. Xuất phát từ những vấn đề như vậy, năm 2017, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã giao Phòng Thí nghiệm triển khai thực hiện đề tài “Bước đầu nghiên cứu nhân giống cây riềng ấm (Alpinia zerumbet) tại Việt Nam” nhằm bước đầu nghiên cứu nhân giống cây Riềng ấm trong điều kiện khí hậu tại miền Bắc nước ta, từng bước phát triển vùng nguyên liệu cho việc chế biến một số thực phẩm chức năng để nâng cao sức khỏe con người và hướng tới xuất khẩu sang Nhật Bản.
Dự án “Bước đầu nghiên cứu nhân giống cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng làm cơ quan chủ trì được thực hiện bởi Thạc sĩ Đoàn Văn Tú và đồng nghiệp với các mục tiêu chính sau:
* Tạo nguồn giống cây riềng ấm ở Việt Nam
* Xây dựng được kỹ thuật nhân giống và chăm sóc giống cây riềng ấm
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả đáng chú ý sau đây:
1/ Đề tài đã bước đầu nhân trồng được cây riềng ấm tại Việt Nam với số lượng cây trồng từ hạt là 1.000 cây con. Cây nhân trồng từ nhánh củ là 38 khóm cây. Trung bình mỗi khóm có từ 2-3 nhánh.
2/ Qua theo dõi nghiên cứu đề tài đã xác định được để hạt giống riềng ấm nảy mầm, xử lý bằng ngâm hạt với dung dịch GA3, nồng độ 10ppm cho kết quả nảy mầm tốt nhất. Thời gian ngâm hạt trong dung dịch là 6 giờ ngâm và ở khoảng nhiệt độ ngâm thích hợp từ 38- 42 oC. Thời gian ủ nảy mầm hạt sau ngâm là 18 ngày.
3/ Với các giá thể gieo hạt, đất phù sa có tỷ lệ cát cao cây riềng ấm có khả năng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt > 85%. Trong 03 giá thể trồng cây con thì giá thể GT1 cho tỷ lệ sống và các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển đồng đều và cao nhất.
4/ Nhân giống từ nhánh củ khi xử lý với dung dịch GA3 nồng độ 10ppm trước khi ủ ươm cho tỷ lệ mọc chồi đạt 100%. Thời gian nảy mầm từ nhánh củ sau khi ủ trung bình là 19 ngày. Sinh trưởng phát triển của mầm và rễ cây giống riềng ấm nhân từ nhánh củ nhanh hơn trên cây con ươm từ hạt sau 04 tháng trồng, cây cao trung bình 0,4 - 0,45m và cây phân nhánh từ củ gốc bắt đầu sau 6-8 tháng.
Tuy nhiên, do điều kiện đề tài nghiên cứu cây riềng ấm trong thời gian chưa nhiều nên các nghiên cứu thí nghiệm mới ở phạm vi phòng thí nghiệm được theo dõi cụ thể. Các chỉ tiêu theo dõi trên thực nghiệm vườn ươm do chưa có số lượng cây giống lớn nên chưa thể bố trí thí nghiệm diện rộng và trên thực tế trồng cây riềng ấm trên đất trong điều kiện tự nhiên là chưa theo dõi được chi tiết. Các chỉ tiêu về sinh trưởng và phát triển cây riềng ấm đến giai đoạn thu hoạch lá nguyên liệu hoặc chu kỳ ra hóa kết quả chưa được nghiên cứu. Để nghiên cứu được hoàn thiện cần được tiếp tục nghiên cứu thêm các điều kiện sinh trưởng phát triển của cây, năng suất thu hoạch và trên điều kiện trồng ngoài tự nhiên nhằm đảm bảo được tính chính các toàn diện đối với giống cây riềng ấm ở các giai đoạn sinh trưởng phát triển.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15036) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.K.L (NASATI)