TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trên nền tảng trực tuyến
Cập nhật vào: Thứ sáu - 02/08/2024 00:08 Cỡ chữ
TP. Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 1/3 ngân sách cả nước nên việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của Thành phố, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ tạo động lực mạnh hơn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Vì thế, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đã triển khai xây dựng nền tảng kết nối trực tuyến nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là một nhiệm vụ thực hiện theo định hướng phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp và ưu tiên phát triển hệ sinh thái ĐMST cho Thành phố. Nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là H.OIP) đã được ban hành tại Quyết định số 672/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, thuộc nhiệm vụ VII, dự án 1: Phát triển nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo), cụ thể là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và thúc đẩy hoạt động ĐMST, chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bốn trụ cột chính để nền tảng H.OIP được xây dựng trong giai đoạn này sẽ tập trung là cơ quan Nhà nước, các cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư. Nhiệm vụ được chia làm 3 giai đoạn: nghiên cứu thiết kế nền tảng, xây dựng nền tảng và vận hành thử nền tảng.
Sản phẩm của nghiên cứu bao gồm: nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh đã sẵn sàng triển khai cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Thành phố, bước đầu được tổ chức báo cáo cho TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nền tảng cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ được 4 nhóm đối tượng trọng yếu là các nhà khởi nghiệp, Nhà nước, nhà ươm tạo, nhà đầu tư. Đặt trên hệ thống máy chủ (môi trường test của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) đảm bảo đường truyền và response time dưới 3s, đảm bảo trên 3000 người hoạt động cùng lúc mà không gặp vấn đề. Thiết lập được hệ thống dữ liệu lớn phục vụ cho 4 đối tượng chính của nền tảng, trong đó tập trung cơ sở dữ liệu về hướng hạt nhân của hệ sinh thái: startup. Đảm bảo quy trình kết nối các đối tượng 100% online hướng tới online to offline qua các không gian kết nối tại các cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Để triển khai vận hành hiệu quả nền tảng H.OIP, nhóm nghiên cứu lưu ý một số nội dung trọng yếu có tác động tới hiệu quả của nền tảng này, cụ thể là các nội dung liên quan đến mô hình vận hành (mô hình lợi nhuận của nền tảng xã hội, nhân sự vận hành chuyên trách và sự đông đảo của các nhân sự hệ sinh thái đồng tham gia vận hành, các hoạt động truyền thông và hỗ trợ phát triển vận hành, lan tỏa tới cộng đồng); tiến hóa về mặt ứng dụng; tiến hóa về mặt hạ tầng; hợp tác nội bộ hệ sinh thái; hợp tác quốc tế; kết nối với các chương trình chính sách công;…
Kết quả nghiên cứu giúp xây dựng cộng đồng trực tuyến thông qua việc tạo ra một nền tảng cho phép các thực thể khác nhau tương tác và phát triển chung, qua đó thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST mạnh mẽ. Nền tảng H.OIP kết nối chặt chẽ các thành phần trong hệ sinh thái, từ doanh nghiệp khởi nghiệp đến các tổ chức, giúp chia sẻ kiến thức, giải quyết các vấn đề chung. Việc xây dựng giải pháp toàn diện cho kiến trúc dữ liệu và giao thức kết nối đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả trong xử lý dữ liệu, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ của nền tảng. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tạo ra một ứng dụng di động thuận tiện cho người dùng, đồng thời phát triển hệ thống quản trị để nhanh chóng thích ứng và cập nhật dựa trên phản hồi từ người dùng; tích hợp và tự động hóa nhiều quy trình thông qua việc sử dụng các công cụ hiện đại như Firebase và các dịch vụ điện toán đám mây, nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và vận hành. Nền tảng H.OIP còn cung cấp các công cụ và dịch vụ hỗ trợ cho việc xúc tiến thương mại và thu hút vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Những kết quả này được kỳ vọng không chỉ đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ ở cấp độ địa phương mà còn có tiềm năng lan tỏa ra khu vực và quốc tế; thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế; tăng cường kết nối và hợp tác; hình thành hệ thống dữ liệu toàn diện, kịp thời, đa chiều, được phân loại, có khả năng tự mở rộng và có cấu trúc khoa học; nâng cao chất lượng dự án khởi nghiệp; tăng cường cơ hội học tập, hoàn thiện cho startup và cơ hội thương mại hóa, kết nối đầu tư; nâng cao hiệu quả truyền thông; hỗ trợ việc đề xuất đổi mới chính sách, nâng cao hiệu quả tương tác và điều hướng chính sách,…
N.P.D (Tổng hợp)