Những thách thức chính đối với các nhà đầu tư trên thị trường khởi nghiệp
Cập nhật vào: Thứ tư - 04/05/2022 12:01 Cỡ chữ
Mặc dù được đánh giá như những ngôi sao đang lên trên thị trường khởi nghiệp Việt Nam nhờ sự hiểu biết về thị trường, luật pháp và có sẵn một hệ sinh thái để hỗ trợ nhưng các nhà đầu tư nội hiện đang phải đối mặt với thách thức cần phải vượt qua để có thể tăng trưởng nhanh.
Đại diện của Vic Partner kí kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với RETI. Nguồn: NIC
Sau một năm sụt giảm do Covid-19, số lượng nhà đầu tư tham gia vào các vòng gọi vốn của các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã tăng mạnh trở lại, vượt mức kỷ lục cũ của năm 2019. Đứng đầu là các quỹ đầu tư từ Singapore với 34 thương vụ, xếp thứ hai là các quỹ đầu tư nội địa Việt Nam và Mỹ với 28 thương vụ. Xét về tốc độ tăng trưởng theo năm, Việt Nam đang dẫn đầu về số lượng đầu tư và đứng thứ ba về giá trị đầu tư sau Philipin và Singapo. Số vốn đầu tư vào khởi nghiệp ở Việt Nam chiếm 13% tổng giá trị đầu tư vào toàn bộ các công ty ở Đông Nam Á, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2020. Tỷ trọng số lượng đầu tư của Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng 2 điểm phần trăm so với năm trước đó.
Trong báo cáo của Golden Gate Ventures công bố vào tháng 7/2021, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao đang lên của khu vực Đông Nam Á khi xếp thứ ba sau Inđônêxia và Singapo. Hoạt động sôi nổi của các quỹ đầu tư ngoại ít nhiều đã tạo ra sức ép khiến nhà đầu tư nội địa không thể đứng yên. Cùng với quỹ nội nhưng vốn ngoại, nghĩa là quỹ do người Việt đứng đầu và đi gọi vốn từ nước ngoài thì ở Việt Nam cũng đã xuất hiện quỹ nội vốn nội, nghĩa là 100% do người Việt góp vốn. Sự sôi nổi của các quỹ đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam và thành tựu của nhiều startup khác mà điển hình là sự xuất hiện của hai kỳ lân MoMo - nền tảng ví điện tử do Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến phát triển cho phép người dùng thực hiện các thanh toán, giao dịch trên các thiết bị di động, và Sky Mavis - Công ty Ứng dụng công nghệ blockchain vào game, trong đó nổi bật nhất là Axie Infinity, khiến các nhà đầu tư nội nhận thấy tiềm năng của thị trường trong nước.
Đội ngũ nhà sáng lập có nhiều kinh nghiệm kinh doanh và khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam và sẽ mang tới một hệ sinh thái có thể kết hợp với các sản phẩm của startup cũng là một lợi thế của nhà đầu tư nội. Như đội ngũ sáng lập của VIC Partner cũng là founder của Bamboo Airway, Tiki, Joomlart, Ecomobi… VIISA là quỹ đầu tư của FPT, Think Zone có sự góp vốn của các nhà sáng lập đến từ IPA Investments, Phú Thái Holdings, Stavian Group hay MoMo sau khi trở thành kỳ lân cũng thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo MoMo.
Thị trường tiềm năng, một hệ sinh thái đã trưởng thành, một thế hệ trẻ đã được tôi rèn tinh thần doanh nhân và kỹ năng khởi nghiệp dường như trở thành động lực cho nhà đầu tư nội địa sẵn sàng hơn với “đầu tư mạo hiểm” và trở thành nhóm năng động thứ hai tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng, họ vẫn có nhiều cái khó để giành được thị phần và chỗ đứng, khi chỉ chiếm 16% tổng số các quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng thách thức là đa số các tập đoàn trong nước chưa từng đầu tư vào mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm bao giờ. Các khoản trước đó là đầu tư vào Quỹ chứng khoán, Quỹ đầu tư tài sản… hay các mô hình an toàn hơn. Việc đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản mang lại khả năng sinh lời cao hơn nhiều và cũng chắc chắn hơn so với đầu tư vào khởi nghiệp, trong bối cảnh 100 startup thì thất bại tới 97-98%. Do nhà đầu tư chưa mấy mặn mà với đầu tư mạo hiểm và tin hơn vào những khoản đầu tư có thể mắt thấy tay sờ, nên nguồn vốn của quỹ nội có hạn so với các quỹ lớn đến từ nước ngoài. Quỹ đầu tư nội địa như VIC cũng gặp phải cạnh tranh quyết liệt khi tiềm lực vốn không mạnh như quỹ đầu tư nước ngoài. Các quỹ đang phải cạnh tranh nhau để đầu tư. Do vậy, các quỹ nội địa hầu hết chỉ tập trung vào giai đoạn pre Series A hoặc series A với giá trị từ dưới 0,5 triệu USD đến 3 triệu USD. Dù vậy, Think Zone Ventures trong năm 2021 có được 13 thương vụ. VIC Partner đặt mục tiêu có được 5-6 thương vụ trong năm 2022. Các quỹ đầu tư khác như VIISA, DO Ventures, Zone Startup Vietnam… cũng có mục tiêu riêng. Làm thế nào để duy trì tốc độ này không phải là chuyện dễ với nhà đầu tư nội trong năm 2022.
Không chỉ ít về vốn mà việc thành lập quỹ đầu tư nội cũng còn nhiều vấn đề khó khăn. Cụ thể là từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định về Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng cho việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm. Trước đó, tại TechFest 2020, đại diện của VinaCapital cũng nêu ra một vài vướng mắc và quy định chưa rõ của Nghị định 38 như quỹ không được đầu tư quá 50% vốn điều lệ là chưa hợp lý, giới hạn số lượng nhà đầu tư dưới 30 người hay chưa có hướng dẫn cách tính thuế thu nhập với công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư (cá nhân, tổ chức) góp vốn… Trong khi ThinkZone kiên nhẫn thành lập quỹ Fund II đồng bộ với quy định của Nhà nước Việt Nam cũng như tiêu chuẩn của thế giới thì cũng có nhiều quỹ khác của Việt Nam lựa chọn con đường thành lập pháp nhân ở nước ngoài để nhận được các ưu đãi thuế và tránh các rào cản pháp lý. Điều này cho thấy sự ‘bung nở’ của các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam ‘muôn hình vạn trạng’ và mỗi đơn vị lại tìm cho mình một lối đi riêng, miễn là đảm bảo việc hoạt động sao cho hợp pháp và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Trong khi đó, về phía các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, theo một số chuyên gia, cần có sự tập trung, không để tản mát trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Cần có một đơn vị tiên phong của chính phủ phất ngọn cờ đó, tập trung các nguồn lực cả về tài chính lẫn cơ sở hạ tầng, mạng lưới kết nối... chịu trách nhiệm phân bổ.
PAT (Tổng hợp)