Giải thưởng I-Star 2023
Cập nhật vào: Thứ sáu - 15/09/2023 11:01 Cỡ chữ
Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh năm 2023 (I-Star 2023) đã có 39 hồ sơ được bình chọn nhiều nhất và được vào vòng trong được chia làm 4 nhóm đối tượng.
Top 10 của nhóm 1 (Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo)
I-Star là giải thưởng thường niên do Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh là đơn vị triển khai thực hiện. Giải thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng. Qua 5 năm tổ chức (2018 - 2022), I-Star đã thu hút gần 1.500 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 53 hồ sơ đã được trao giải.
Được phát động từ đầu tháng 3, đến nay I-Star 2023 đã thu hút 225 hồ sơ tham gia dự thi. Theo ban tổ chức, 39 bài dự thi lọt vào vòng trong được chia làm 4 nhóm đối tượng, bao gồm: đối tượng 1 - doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đối tượng 2 - giải pháp đổi mới sáng tạo; đối tượng 3 - các tác phẩm truyền thông; đối tượng 4 - các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Để lọt vào Top 39, các bài dự thi đã được đánh giá dựa trên sự bình chọn của cộng đồng mạng xã hội tại vòng sơ khảo. Việc bình chọn của cộng đồng tại vòng chung kết diễn ra từ ngày 1/9 - 30/9/2023. Song song đó, hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm và chọn ra 12 hồ sơ xuất sắc nhất của 4 nhóm để tôn vinh và trao giải thưởng I-Star 2023.
Top 10 của nhóm 1 (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) năm nay gồm những gương mặt xuất sắc có lượt bình chọn cao nhất như: Mô hình bánh mì Má Hải; Nền tảng giáo dục trải nghiệm trên không gian metaverse (Dự án Akather); Hệ thống chưng cất tinh dầu, dược liệu công nghệ lôi cuốn hơi nước hồi lưu tuần hoàn giải quyết bài toán kinh tế áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ngành chiết xuất tinh dầu dược liệu Việt Nam; Bao bì nhựa sinh học tan trong nước PVA; WeShare - Nền tảng gây quỹ bền vững từ các đơn hàng online; Sáng chế bồn cầu xả nước của Việt Nam thỏa mãn các tiêu chí về sáng chế xanh - sản phẩm xanh; Hệ thống quản lý tài liệu thông minh - Smart vOCR; Khử mùi Lộc Nhân - Tái chế từ bã cà phê; Giải pháp số hóa, quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Checkee); Sản xuất tinh dầu, nến thơm, xà phòng, nước rửa tay, mỹ phẩm và giá thể hữu cơ từ vỏ cam sành.
Top 10 xuất sắc nhất của nhóm 2 (các giải pháp đổi mới sáng tạo) có thể kể đến các giải pháp như: Khám phá cùng tôi - Website học tập môn Tin học đa dạng và thú vị cho mọi lứa tuổi; Sử dụng One Note để quản lý hồ sơ dạy học, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học; Hệ thống thông tin quản lý trường học dựa trên nền tảng Microsoft 365; Giải pháp nâng cao ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kỹ thuật thông qua giáo dục khởi nghiệp tại Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Ứng dụng kết nối giao thương trực tuyến 4.0; Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (WebGIS) quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực trên địa bàn Quận 1; Sản xuất bột giấy và giấy từ vỏ quả sầu riêng; Bộ công cụ quản lý chợ; Phòng tư vấn học đường trực tuyến/trực tiếp dành cho học sinh Quận 3; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm và nguồn gốc hàng hóa nhập vào tại chợ Bình Thới.
Top 10 của nhóm 3 (các tác phẩm truyền thông) gồm những tác phẩm đáng chú ý như: Khởi nghiệp để phụng sự xã hội (nhóm tác giả: Văn Tám - Trâm Anh, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn); Chuỗi tác phẩm thuộc chương trình “Khởi nghiệp sáng tạo để thành công” (tác giả: Diễm Hà, Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh - VOH); Người trẻ miệt mài chế vải từ sợi tre, xơ chuối, bảo tồn gene quý (tác giả: Trọng Nhân, Báo Tuổi trẻ Online); Chuỗi tác phẩm tọa đàm: TP. Hồ Chí Minh từng bước kiến tạo đô thị thông minh (nhóm tác giả: Trần Thị Phi Yến, Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh - VOH); Chuỗi tác phẩm tọa đàm "Thành phố Thủ Đức phát triển đô thị thông minh, sáng tạo - cần những cú hích để vươn tầm" (nhóm tác giả: Dương Thị Anh Đào - Nguyễn Thị Tố Tâm - Nguyễn Phạm Thùy Vân - Nguyễn Ngọc Phượng, Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh - VOH); Giải pháp mang tính thực tiễn cao trong giảng dạy và học môn hóa học (tác giả: Cao Văn Tân, Báo Nhân dân); Hành trang khởi nghiệp: Vốn và hơn thế... (tác giả: Trâm Anh, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn); Những cú bắt tay bạc tỷ (tác giả: Ngọc Ánh, Báo Người Lao Động);...
Ở nhóm đối tượng 4 (các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp), 9 gương mặt xuất sắc có nhiều đóng góp, tích cực hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh được xướng tên. Cụ thể gồm Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh): Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng phát triển bền vững; ZONE STARTUPS VIỆT NAM - Kết nối nguồn lực đẩy mạnh sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam; Tăng trưởng xanh - Xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững (Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao - AHBI); CLB Sinh viên khởi nghiệp Dynamic UEH - Bệ phóng khởi nghiệp cho các sinh viên có đam mê; Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (Trường Đại học Bách Khoa): Nơi khơi nguồn sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ;…
Top 39 của I-Star 2023 sẽ tiếp tục kêu gọi bình chọn đến hết ngày 30/9. Sau khi vào đến chung kết, các hồ sơ dự thi sẽ qua vòng sơ khảo và vòng chấm điểm của ban giám khảo chuyên môn để tìm ra 3 giải thưởng đồng hạng ở mỗi nhóm. Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh (WHISE 2023), dự kiến tổ chức trong tháng 11/2023.
P.A.T (tổng hợp)