Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Cập nhật vào: Thứ ba - 28/11/2023 00:01 Cỡ chữ
Trong khuôn khổ Techfest-Whise 2023 diễn ra từ ngày 23-25/11/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Kinh tế Đổi mới sáng tạo Jeonbuk tổ chức hội thảo quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Jeonbuk (Hàn Quốc)”.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo là cầu nối cho các doanh nghiệp, các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đến sân chơi toàn cầu. Qua đó, tạo cơ hội cho các cộng đồng khởi nghiệp, trường đại học, học viện, trung tâm ươm tạo hợp tác quốc tế thông qua các chính sách hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Jeonbuk.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm, thành phố có hơn 2.200 startups, 45 cơ sở ươm tạo và tăng tốc, 200 quỹ đầu tư mạo hiểm và nhiều sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp. Năm 2022, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại thành phố là hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ năm 2017-2021, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startups Việt Nam đạt khoảng 2 tỷ đô, trong đó, hơn 60% doanh nghiệp gọi vốn thành công thuộc thị trường TP. Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh có ưu thế trong phát triển khởi nghiệp sáng tạo, bởi thành phố có nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm, hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, thị trường lớn với nhiều khách hàng sẵn sàng trải nghiệm công nghệ và sản phẩm mới.
Từ năm 2016, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng suất và chất lượng. Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là minh chứng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc nâng tầm chất lượng và hiệu quả cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh tập trung vào chính sách nâng cao năng lực cho cộng đồng đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, thực hiện các chương trình ươm tạo (tập trung cho các trường đại học) và hỗ trợ tăng tốc.
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp với Hàn Quốc. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với Trung tâm Kinh tế đổi mới sáng tạo Jeonbuk (Hàn Quốc) vào ngày 5/6/2023.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong các trung tâm, các trường đại học ở Hàn Quốc. Ông Choi Jaeyoung, Trưởng Phòng Đổi mới và Đầu tư quốc tế, Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk (JBCCEI), cho biết, JBCCEI tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, công nghệ tài chính, công nghệ nông nghiệp… Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại thị trường Hàn Quốc được phân loại theo loại hình khởi nghiệp (khởi nghiệp mạo hiểm, chủ doanh nghiệp nhỏ); độ tuổi khởi nghiệp (những nhà khởi nghiệp dưới 40 tuổi và nhóm tuổi còn lại); lịch sử doanh nghiệp (tiền khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động dưới 3 năm, doanh nghiệp hoạt động từ 3-7 năm). Công tác hỗ trợ khởi nghiệp tại Hàn Quốc được triển khai theo quy trình chặt chẽ. Sau khi xác định nhu cầu của khách hàng, đưa ra giải pháp và lên kế hoạch hoàn thành sản phẩm có tính khả thi, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ kiểm chứng thị trường và khách hàng, huy động vốn và cho vay vốn. Cuối cùng là được hỗ trợ đưa sản phẩm khởi nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường.
Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Hàn Quốc, các du học sinh, các doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp, Hệ thống hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đại học Quốc gia Jeonbuk được tiến hành từ giai đoạn tiền khởi nghiệp, giai đoạn khởi nghiệp (từ 1-3 năm), giai đoạn mở rộng quy mô (từ 4-7 năm). Nếu doanh nghiệp thất bại trong ba giai đoạn này, trung tâm sẽ hỗ trợ tái khởi nghiệp.
Đại học Quốc gia Jeonbuk thực hiện chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp theo tiêu chí NICE. Trong đó, N là Network (mạng lưới) và Navigation (điều hướng); I là Incubating (ươm mầm) và Innovation (đổi mới sáng tạo); C là Culture (văn hóa) và Commercialize (thương mại hóa); E là Education (giáo dục) và Entrepreneur (người lập nghiệp). Mỗi trung tâm tập trung thúc đẩy một lĩnh vực, cụ thể: nghiên cứu máy móc, kinh doanh; công nghệ thông tin và truyền thông, internet vạn vật; công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học; năng lượng tái tạo; công nghệ xanh.
P.A.T (Tổng hợp)