Vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh của trẻ sơ sinh ngăn ngừa dị ứng thực phẩm phổ biến
Cập nhật vào: Thứ năm - 17/01/2019 05:25 Cỡ chữ
Theo nghiên cứu gần đây, vi khuẩn ruột có vai trò quyết định trong việc bảo vệ chống dị ứng thực phẩm. Những phát hiện này của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Chicago đã được đăng trên tạp chí Nature Medicine mới đây.
Sữa bò là tác nhân gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ em.
Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng theo cách cực đoan với các chất lạ, hoặc chất gây dị ứng, thường không gây hại cho hầu hết mọi người.
Một số chất phổ biến tạo ra phản ứng dị ứng bao gồm phấn hoa và một số loại thực phẩm. Mặc dù hầu hết các phản ứng không nghiêm trọng, nhưng khi xảy ra, nó có thể đe dọa đến tính mạng.
Sữa bò, trứng, đậu phộng, đậu nành, lúa mì và hạt cây là một số thực phẩm thường gây ra phản ứng dị ứng ở trẻ em. Các loại thực phẩm có khả năng gây ra phản ứng dị ứng ở người lớn bao gồm cá, động vật có vỏ, đậu phộng và hạt cây. Trong thời thơ ấu, hầu hết các dị ứng thực phẩm phát triển trong 2 năm đầu đời. Tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở những người 0 tuổi17 tuổi tăng nhẹ ở Hoa Kỳ. Trong giai đoạn 1997 - 1999, nó là 3,4% và tăng lên 5,1% trong giai đoạn 2009 - 2011.
Khi các nhà khoa học cấy vi khuẩn đường ruột (microbiota) từ những đứa trẻ khỏe mạnh vào những con chuột không có vi khuẩn riêng, những con chuột này cho thấy không bị dị ứng khi uống sữa bò. Ngược lại, những con chuột không có mầm bệnh nhưng khi được cấy vi khuẩn đường ruột từ những đứa trẻ bị dị ứng sữa bò, chúng xuất hiện phản ứng dị ứng với sữa bò.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được một loại vi khuẩn, khi có trong ruột, có tác dụng ngăn ngừa phản ứng dị ứng với thực phẩm.
“Nghiên cứu này cho phép chúng tôi xác định được mối quan hệ nhân quả và cho thấy rằng nếu chính microbiota “bức chế” thì phản ứng dị ứng liệu có xảy ra hay không”, Cathryn R. Nagler, giáo sư tiến sỹ về dị ứng thực phẩm, Trường Đại học Chicago (Illinois) nói.
Bà nhấn mạnh rằng, “kết quả này cho thấy các phương pháp điều trị bằng cách thay đổi hoạt động của vi khuẩn đường ruột có thể giảm các triệu chứng dị ứng thực phẩm”.
Vi khuẩn đường ruột, sức khỏe và bệnh tật
Với diện tích bề mặt bên trong khoảng 250 - 400m2, đường tiêu hóa hay ruột là một trong những giao diện lớn nhất giữa cơ thể con người và môi trường của nó.
Khoảng 60 tấn thực phẩm đi qua ruột người ở vòng đời trung bình. Do chứa một số lượng lớn các loài vi sinh vật nên nó có thể là mối đe dọa lớn cho sức khỏe đường ruột.
Trải qua hàng ngàn năm, ruột người và các thuộc địa vi khuẩn sống trong đó, còn gọi chung là hệ vi sinh vật đường ruột, đã cùng nhau phát triển một mối quan hệ phức tạp có lợi cho cả hai bên. Kết quả của sự liên kết lâu dài này, các vi khuẩn đường ruột đã đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe và bệnh tật của vật chủ con người. Ví dụ, chúng giúp tiêu hóa thức ăn, thu hoạch năng lượng, bảo vệ chống lại mầm bệnh và kiểm soát khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, sự mất cân bằng trong thành phần của vi khuẩn đường ruột có thể phá vỡ các chức năng quan trọng này. Điều này có thể gây ra hoặc góp phần gây bệnh hoặc không kịp bảo vệ chống lại bệnh.
Cùng với các công cụ nghiên cứu và định hình vi khuẩn đường ruột đã được cải thiện, các nhà khoa học ngày càng phát hiện ra mối liên hệ giữa các vi khuẩn đường ruột và các bệnh ảnh hưởng đến không chỉ ruột mà còn các bộ phận khác của cơ thể. Có bằng chứng cho thấy, ví dụ, vi khuẩn đường ruột có thể kiểm soát khả năng miễn dịch ung thư ở gan, rằng chúng có thể bảo vệ chống nhiễm trùng huyết và chúng có thể là tác nhân gây ra bệnh đa xơ cứng.
Dị ứng sữa bò và vi khuẩn đường ruột
Một vài năm trước, một số nhà nghiên cứu đằng sau nghiên cứu mới này phát hiện ra rằng vi khuẩn đường ruột của những đứa trẻ khỏe mạnh khác biệt rõ rệt với những đứa trẻ bị dị ứng sữa bò. Điều này khiến họ tự hỏi liệu sự khác biệt có thể khiến dị ứng phát triển.
Để rõ hơn vấn đề này, họ đã thu thập các mẫu phân có chứa vi khuẩn đường ruột của tám em bé. Bốn (04) trong số này bị dị ứng sữa bò, trong khi bốn trẻ còn lại không bị.
Sử dụng các mẫu phân, nhóm nghiên cứu đã cấy vi khuẩn đường ruột của những đứa trẻ bị và không bị dị ứng sữa bò vào những con chuột được nuôi trong môi trường vô trùng và không có vi khuẩn đường ruột của chúng.
Các nhà khoa học cho chuột ăn cùng một loại sữa bột mà trẻ sơ sinh dùng. Điều này là để đảm bảo rằng các vi khuẩn có cùng chất dinh dưỡng và được sinh sống theo cùng một cách như nhau.
Khi họ cho những con chuột không có mầm bệnh, được cấy vi khuẩn đường ruột từ trẻ sơ sinh bị dị ứng sữa bò uống sữa, những con chuột này đã bị sốc phản vệ, một tình trạng đe dọa đến tính mạng xảy ra trong các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Phản ứng nghiêm trọng tương tự xảy ra khi nhóm nghiên cứu đã cho những con chuột không có mầm bệnh, không cấy vi khuẩn (nhóm đối chứng) uống sữa. Tuy nhiên, những con chuột không có mầm bệnh, được cấy vi khuẩn đường ruột từ trẻ sơ sinh không bị dị ứng sữa bò cho thấy chúng không có phản ứng nghiêm trọng này sau khi tiếp xúc với sữa bò. Có vẻ như chúng “hoàn toàn được bảo vệ”.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh di truyền các vi khuẩn đường ruột của những con chuột không có mầm bệnh dị ứng với những con chuột không có phản ứng dị ứng.
Các xét nghiệm đã xác định được một loại vi khuẩn cụ thể, có tên là Anaerostipes caccae. Dường như sự hiện diện của loài vi khuẩn này trong ruột đã giúp ngăn ngừa xảy ra phản ứng dị ứng với thực phẩm.
A. caccae thuộc về một nhóm vi khuẩn gọi là Clostridia. Trong nghiên cứu trước đó, Giáo sư Nagler và nhóm của cô đã phát hiện ra rằng sự hiện diện của vi khuẩn này trong ruột đã giúp cơ thể bảo vệ chống dị ứng với các loại hạt.Nghiên cứu gần đây cho thấy sự bảo vệ này mở rộng sang các bệnh dị ứng thực phẩm khác. A. caccae tạo ra một axit béo chuỗi ngắn gọi là butyrate. Chất dinh dưỡng này giúp ruột thiết lập một thành phần vi khuẩn giúp tăng cường sức khỏe. Họ rất ngạc nhiên về tác động của loài vi khuẩn này.
“Nghiên cứu này cho thấy chúng ta có thể sử dụng các sản phẩm chuyển hóa hệ vi sinh khỏe mạnh để phát triển các loại thuốc bảo vệ chống dị ứng thực phẩm”, Giáo sư, tiến sỹ Cathryn R. Nagler nói.
P.T.T (NASATI), theo https://www.medicalnewstoday.com/articles/324171.php, 13/01/2019