Vấn đề bất bình đẳng y tế ở vùng nông thôn và nhu cầu được tiếp cận chẩn đoán ung thư sớm
Cập nhật vào: Thứ tư - 16/10/2024 00:09 Cỡ chữ
Việc sống sót sau ung thư phổi ở vùng Aotearoa, New Zealand có thể phụ thuộc vào việc bạn có thể tiếp cận bác sĩ gia đình hay không. Điều này làm dấy lên câu hỏi về sự công bằng trong hệ thống y tế của quốc gia này.
Nghiên cứu mới xem xét và đánh giá kết quả của những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi bởi các bác sĩ gia đình so với những bệnh nhân được chẩn đoán tại các khoa cấp cứu (ED). Xem xét 2.400 ca chẩn đoán ung thư phổi ở Waikato từ năm 2011 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở khoa cấp cứu có chiều hướng ở giai đoạn muộn hơn và có kết quả tồi tệ hơn so với những bệnh nhân được chẩn đoán bởi bác sĩ gia đình. Tỷ lệ chẩn đoán tại các khoa cấp cứu đối với người Māori cao hơn 27% so với người không phải Māori và ở nam giới cao hơn 22% so với nữ giới. Những kết quả này đặt ra những vấn đề quan trọng về bất bình đẳng trong y tế ở New Zealand và nhấn mạnh nhu cầu đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận chẩn đoán ung thư sớm.
Hiện tại, hơn 1/2 phòng khám đa khoa đã khóa sổ đăng ký đối với bệnh nhân mới, khiến 290.000 bệnh nhân không thể khám bệnh và họ phải phụ thuộc vào các khoa cấp cứu để được chăm sóc y tế. Khoảng 80% các phòng khám đã khóa sổ với bệnh nhân mới tại một thời điểm nào đó kể từ năm 2019. Đối với những người đã được đăng ký khám, thời gian chờ đợi để được khám bệnh kéo dài, khiến cho họ phải đưa ra lựa chọn duy nhất là tìm đến các khoa cấp cứu để được giúp đỡ. Điều này đặc biệt đúng ở các bệnh viện vùng nông thôn.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong do ung thư lớn nhất ở New Zealand, với hơn 1.800 ca mỗi năm. Khoảng 80% những người được chẩn đoán mắc ung thư phổi đều ở giai đoạn tiến triển và triển vọng sống sót rất thấp. Đây cũng là loại ung thư có khoảng cách tiếp cận công bằng lớn nhất. Tỷ lệ tử vong ở người Maori mắc ung thư phổi cao gấp ba đến bốn lần so với người gốc Âu. Mặc dù phần lớn sự chênh lệch này là do sự khác biệt về tỷ lệ hút thuốc giữa các nhóm dân tộc, nhưng cũng có bằng chứng cho thấy sự chậm trễ trong chẩn đoán và khả năng tiếp cận phẫu thuật kém hơn cũng là những yếu tố tác động lớn đến tỷ lệ sống sót ở người bệnh. Ung thư phổi thường bắt đầu ở mô lót đường thở và các triệu chứng ban đầu có thể tương đối nhẹ—khó thở khi tập thể dục, ho dai dẳng hoặc đau nhói khi thở. Bệnh nhân khi có các triệu chứng này thường cần đến gặp bác sĩ đa khoa để kiểm tra xem đây có phải là vấn đề cần điều tra thêm hay không. Nhưng nếu ai đó không thể đặt lịch hẹn khám hoặc không nhận ra các triệu chứng là nghiêm trọng, thì họ có thể sẽ trì hoãn việc này. Các triệu chứng tiến triển của ung thư phổi bao gồm ho ra máu hoặc có khối u ở cổ do ung thư di căn theo đường bạch huyết. Những người có các triệu chứng đáng báo động này có xu hướng đến bệnh viện để điều trị.
Nghiên cứu này xác nhận các phát hiện trước đó rằng, những người được chẩn đoán tại khoa cấp cứu sẽ là những người có nhiều khả năng mắc bệnh tiến triển hơn; có nhiều khả năng mắc loại ung thư hung hãn hơn (gọi là ung thư tế bào nhỏ) và có khả năng sống sót thấp hơn đáng kể. Thời gian sống trung bình của những người chưa bao giờ đến khoa cấp cứu là 13,6 tháng, trong khi thời gian sống trung bình của những người đến khoa cấp cứu một lần chỉ là 3 tháng. Tuy nhiên, việc đến khoa cấp cứu có một số lợi thế cho bệnh nhân, bao gồm việc được bác sĩ khám nhanh trong vòng vài giờ, được chụp X-quang ngay lập tức và điều trị tại các bệnh viện lớn, được tiếp cận với công cụ chẩn đoán xác định ung thư phổi—máy chụp cắt lớp vi tính (CT).
Nghiên cứu này phát hiện ra rằng, có đến 25% các trường hợp đã đến khoa cấp cứu hai lần trở lên trong hai tuần trước khi được chẩn đoán bệnh, trong khi đó các bệnh nhân ở vùng nông thôn Waikato thì sẽ phải đến khám hơn hai hoặc ba lần trước khi được chẩn đoán bệnh. Như vậy, New Zealand rõ ràng vẫn còntồn tại một số rào cản đối với việc chăm sóc y tế ban đầu. Nó đã dẫn đến việc phải phụ thuộc lớn vào các khoa cấp cứu để có thể được chẩn đoán ung thư, mặc dù mục tiêu điều trị ung thư cần diễn ra nhanh chóng trong thời gian dài. Tình hình này tại đây hiện khó có thể cải thiện bởi việc tiếp cận bác sĩ gia đình đang trở nên tồi tệ hơn, một phần cũng là do chi phí ngày càng tăng.
Bệnh nhân người Maori và đảo Thái Bình Dương mắc ung thư phổi sẽ ít có khả năng được đăng ký khám tại tổ chức y tế cơ sở khi họ được chẩn đoán bệnh hơn các nhóm dân tộc khác. Họ cũng ít có khả năng đến gặp bác sĩ gia đình trong ba tháng trước khi được chẩn đoán.
Việc chăm sóc sức khỏe tổng quát làm sao có thể dễ dàng tiếp cận hơn sẽ là cách hiệu quả nhất để giải quyết bất bình đẳng trong số liệu thống kê về ung thư phổi của chúng ta. Hiện tại, New Zealand chỉ có 74 bác sĩ gia đình trên 100.000 người, so với 110 bác sĩ ở Úc. Do đó rõ ràng là chúng ta cần tăng đáng kể số lượng bác sĩ gia đình. Đây là một dự án dài hạn nhưng cần phải là mục tiêu chiến lược của ngành y tế. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta cần giúp cho việc chăm sóc y tế ban đầu dễ tiếp cận hơn bằng cách tăng trợ cấp cho bệnh nhân và giảm chi phí trực tiếp cho bệnh nhân khi đi khám bác sĩ. Đồng thời, cần trang bị tốt hơn cho các bác sĩ gia đình khả năng tiếp cận các cơ sở chẩn đoán.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/, 10/2024