Vắc xin Covaxin được chứng minh có hiệu quả ngăn ngừa biến thể mới Delta Plus
Cập nhật vào: Thứ tư - 11/08/2021 02:16 Cỡ chữ
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 4/2021 và sau đó, đột biến thành biến thể Delta Plus. Kết quả thử nghiệm hiệu quả của vắc xin Covaxin cho thấy vắc xin này, dù làm giảm nhẹ nồng độ kháng thể trung hòa, nhưng vẫn có hiệu quả ngăn ngừa biến thể Delta, AY.1 (Delta Plus) và B.1.617.3. Covaxin là sản phẩm do công ty Bharat Biotech và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) phối hợp sản xuất.
Delta & Delta Plus
Biến thể Delta của vi rút SARS-CoV-2 đã được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào loại biến thể đáng lo ngại (VoC). Biến thể này đã dẫn đến làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay và cũng là nguyên nhân gây ra 90% số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này. Biến thể Delta đã lan rộng ra gần 99 quốc gia và có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể Alpha, Beta và Gamma. Biến thể Delta cũng được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến cho số người đã tiêm chủng nhưng vẫn bị nhiễm bệnh tăng đột biến.
Gần đây, biến thể Delta đã đột biến thành các dòng phụ gồm Delta AY.1, AY.2 và AY.3. Trong số đó, biến thể Delta AY.1 (Delta Plus) có khả năng lây nhiễm cao lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 4/2021 và sau đó tại 20 quốc gia khác. Tuy nhiên, cho đến nay, số người nhiễm biến thể Delta AY.1 tương đối thấp. Theo dữ liệu giải trình tự bộ gen của Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), quốc gia này có 70 ca nhiễm biến thể Delta Plus.
Đến nay, chưa có thông tin về hiệu quả của các loại vắc xin hiện có trong việc ngăn ngừa biến thể Delta Plus. Bên cạnh đó, cũng chưa thể khẳng định liệu Delta Plus có liên quan đến sự lan truyền vi rút gây bệnh COVID-19 nặng và khả năng né tránh phản ứng miễn dịch tốt hơn so với biến thể Delta hay không. Biến thể này chứa một đột biến bổ sung (K417N) trong protein cầu gai. Bằng chứng mới cho thấy đột biến này có khả năng chống lại các kháng thể đơn dòng gọi là casirivimab và imdevimab.
Do đó, các nhà khoa học tại Viện Vi rút Quốc gia (NIV) thuộc ICMR đã nghiên cứu khả năng trung hòa huyết thanh của 42 người đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covaxin, trong đó, 14 trường hợp khỏi bệnh được tiêm 2 liều vắc xin và 30 trường hợp đã chích ngừa nhưng vẫn bị nhiễm các biến thể Delta, Delta AY.1 và B.1.617.3, khi so sánh với biến thể B.1.
Kết quả nghiên cứu
Theo TS. Samiran Panda, Trưởng phòng Dịch tễ học và Bệnh Truyền nhiễm tại ICMR, nghiên cứu đã chứng minh vắc xin Covaxin vẫn có thể vô hiệu hóa các biến thể Delta, AY.1 và B.1.617.3. Huyết thanh của vắc-xin lấy từ những người đã chích ngừa nhưng chưa nhiễm COVID-19, người khỏi bệnh đã được tiêm vắc xin đầy đủ và người nhiễm COVID-19 dù đã được tiêm vắc xin - được đánh giá là giảm khả năng chống biến thể Delta ở mức lần lượt là 1,3, 2,5 và 1,9 lần khi so sánh với biến thể B.1.
TS. Pragya Yadav, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng khả năng trung hòa kháng thể ở những người khỏi bệnh đã được tiêm vắc xin đầy đủ và những người vẫn nhiễm bệnh dù đã được tiêm vắc xin, giảm thấp hơn một chút so với những người đã tiêm vắc xin nhưng không nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, huyết thanh của những người thuộc tất cả các nhóm trong nghiên cứu vẫn sẽ vô hiệu hóa được các biến thể Delta, Delta AY.1 và B.1.617.3 một cách hiệu quả.
Vắc xin Covaxin chống biến thể Delta
Trong một nghiên cứu trước đây, vắc xin Covaxin đã được chứng minh đạt 77,8% hiệu quả chống nhiễm bệnh có triệu chứng và 65,2% khả năng chống biến thể Delta. Trong nghiên cứu mới, mặc dù huyết thanh của các trường hợp khỏi bệnh đã được tiêm vắc xin và những trường hợp nhiễm bệnh dù đã tiêm vắc cho thấy, nồng độ kháng thể trung hòa giảm đáng kể, nhưng vắc xin Covaxin vẫn có thể vô hiệu hóa các biến thể Delta, AY.1 và B.1.617.3.
N.P.D (NASATI), theo https://indianexpress.com/article/explained/covaxin-works-against-delta-plus-reading-the-findings-of-new-study-7435380/, 3/8/2021