Tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Cập nhật vào: Thứ tư - 21/12/2022 03:51 Cỡ chữ
Tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm sẽ làm thay đổi quá trình kiểm soát lượng đường trong máu, điều này cuối cùng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Chúng ta đã biết tác hại của ánh sáng nhân tạo, đặc biệt là ánh sáng xanh từ màn hình đến giấc ngủ. Được công bố trên tạp chí Diabetologia mới đây, một nghiên cứu mới tiết lộ rằng việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chính xác hơn, ánh sáng nhân tạo vào ban đêm sẽ làm thay đổi quá trình kiểm soát đường huyết (mức đường huyết), và do đó sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo về đêm cũng có hại cho đa dạng sinh học, vì nó phá vỡ đồng hồ sinh học của nhiều loài động vật (đặc biệt là chim và côn trùng), các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều nghiên cứu trước đây đã nêu bật tác động của ánh sáng nhân tạo về đêm đối với quá trình trao đổi chất của con người. Do đó, việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì, ngoài ra còn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu từ một cuộc khảo sát giám sát bệnh không lây nhiễm của Trung Quốc. Mẫu đại diện cho dân số Trung Quốc, bao gồm 98.658 người trưởng thành (một nửa trong số họ là phụ nữ) với độ tuổi trung bình là 42,7, với thông tin về tình hình y tế và gia đình, lối sống và trình độ học vấn của họ. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của những người tham gia đã được tính toán và các mẫu máu được lấy để đo mức đường huyết lúc đói và sau bữa ăn, cũng như lượng huyết sắc tố glycated. Sử dụng dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã chỉ định cho mỗi người tham gia mức độ tiếp xúc trung bình với ánh sáng nhân tạo ngoài trời. Các mức này được xếp hạng từ thấp nhất đến cao nhất và được nhóm thành năm nhóm (nhóm 20%).
Ở Trung Quốc, hơn 9 triệu trường hợp mắc bệnh tiểu đường có khả năng liên quan đến phơi nhiễm này. Kết quả nghiên cứu cho thấy mhóm phân vị cao nhất tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo về đêm có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng 28% so với các nhóm phân vị thấp hơn. Ngoại suy dữ liệu, các nhà nghiên cứu ước tính rằng hơn 9 triệu trường hợp mắc bệnh tiểu đường ở người trưởng thành Trung Quốc có thể là do tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm. Con số này có thể tăng lên do quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc.
Các tác giả của nghiên cứu kêu gọi tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để xác minh xem đây có thực sự là mối quan hệ nhân quả giữa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm hay không.
P.A.T (NASATI), theo https://www.healthline.com/; https://www.santemagazine.fr/, 12/2022