Thuốc tiêm giảm cân có thể thay thế dao mổ giảm béo
Cập nhật vào: Thứ năm - 06/04/2023 00:03 Cỡ chữ
Phẫu thuật giảm béo, bao gồm cắt bỏ dạ dày và các cách khác tác động lên đường tiêu hóa, được chứng minh là cách điều trị bệnh béo phì thành công và trong một số trường hợp, thậm chí có thể đẩy lùi bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, như với tất cả các cuộc phẫu thuật, nó đi kèm với những rủi ro nhất định, thời gian phục hồi lâu và là một thủ tục tốn kém. Giờ đây, khi nghiên cứu trên loài gặm nhấm, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách khai thác có lợi tương tự như lợi ích từ phẫu thuật, nhưng ở dạng tiêm. Họ cũng phát hiện ra rằng nó giúp ích cho quá trình trao đổi chất, sản xuất insulin và đáng ngạc nhiên nhất là giúp giảm cảm giác phụ thuộc vào thuốc opioid.
Phẫu thuật giảm béo thành công trong điều trị béo phì, tuy nhiên không phải không có rủi ro
Khi thực hiện phẫu thuật giảm béo như bắc cầu dạ dày và cắt vạt dạ dày sẽ không chỉ làm cho thể tích khoang chứa của dạ dày nhỏ lại mà còn tạo ra những thay đổi sinh hóa trong cơ thể. Đáng chú ý nhất, nó thay đổi cách ruột tiết ra hai loại hormone được gọi là peptide giống glucagon-1 (GLP-1) và peptide YY (PYY). Những hormone này giúp giảm cảm giác thèm ăn của một người, giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường và ít cảm thấy đói hơn.
Mặc dù tồn tại các loại thuốc có thể bắt chước GLP-1, nhưng chúng thường có tác dụng phụ khó chịu như buồn nôn và các dạng đau dạ dày khác, có thể dẫn đến việc phải ngưng sử dụng. Chúng cũng chỉ hoạt động trên các thụ thể GLP-1, bỏ qua các lợi ích tiềm năng của việc kích hoạt các thụ thể PYY.
Nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề xung quanh phẫu thuật giảm béo và các loại thuốc hiện tại đồng thời đưa ra những cách chống béo phì hiệu quả, nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Syracuse (SU) và Viện Nghiên cứu Trẻ em Seattle dẫn đầu đã tạo ra một peptit dạng tiêm kích hoạt cả thụ thể PYY và GLP-1. Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, chất có tên là GEP44 đã khiến những con chuột béo phì giảm được 80% lượng thức ăn tiêu thụ và giảm 12% trọng lượng cơ thể trong một nghiên cứu kéo dài 16 ngày. Những thống kê này đánh bại hiệu suất của một loại thuốc chỉ kích hoạt thụ thể GLP-1, được gọi là liraglutide, theo hệ số ba.
Hơn nữa, vì chuột không thể nôn ra được nên để có thể biết được liệu GEP44 có làm chúng buồn nôn hay không, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hợp chất này trên chuột chù (thực tế là chúng có thể nôn) nhưng họ đã không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu buồn nôn nào. Một nhà nghiên cứu hàng đầu cho biết, tác dụng chống buồn nôn có thể có ý nghĩa ngoài việc giảm cân.
Robert Doyle, Đại học SU cho biết: “Trong một thời gian dài, chúng tôi không nghĩ rằng có thể tách biệt việc giảm cân khỏi buồn nôn và nôn, bởi vì chúng có liên quan đến cùng một bộ phận của não bộ. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể duy trì lợi ích của thuốc hóa trị nhưng để phần não gây nôn và buồn nôn loại bỏ nó? Sau đó, chúng ta có thể cho bệnh nhân dùng liều cao hơn để họ có tiên lượng tốt hơn, và họ cũng sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong khi thực hiện hóa trị”.
GEP44 không chỉ giúp loài gặm nhấm giảm lượng thức ăn mà còn giúp chúng kích hoạt quá trình trao đổi chất bằng cách vận chuyển glucose vào các mô cơ và ra khỏi máu, biến nó thành nguồn năng lượng. Hơn nữa, nó khiến một số tế bào tuyến tụy chuyển đổi thành tế bào sản xuất insulin hoàn toàn mới, thường bị tổn thương do bệnh tiểu đường.
Và các nhà nghiên cứu cũng báo cáo rằng hợp chất này đã làm giảm thành công cảm giác thèm fentanyl ở chuột, điều này gợi ý về tiềm năng sử dụng GEP44 như một phương pháp điều trị.
Ban đầu, GEP44 chỉ có thời gian bán hủy khoảng một giờ trong cơ thể, nhưng nhờ công thức cải tiến, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng các phương pháp điều trị trong tương lai có thể được thực hiện dưới dạng tiêm chỉ một hoặc hai lần một tuần. Nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho loại thuốc này và có kế hoạch tiến hành thử nghiệm nâng cao hơn trên các loài linh trưởng.
Những phát hiện đã được trình bày hôm nay tại ACS Spring 2023, một cuộc họp của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ.
P.T.T (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/weight-loss-injectable/, 31/3/2023