Thuốc kháng histamine không kê đơn sửa chữa tổn thương thần kinh do bệnh tự miễn đa xơ cứng gây ra
Cập nhật vào: Thứ hai - 26/06/2023 00:17 Cỡ chữ
Nghiên cứu mới đã tìm thấy bằng chứng trực tiếp rằng thuốc kháng histamine không kê đơn có thể sửa chữa vỏ bọc thần kinh bảo vệ bị tổn thương ở những người mắc bệnh đa xơ cứng. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được một dấu ấn sinh học có thể dùng để đo lường hiệu quả của thuốc, mở ra cơ hội cho một phương pháp điều trị mới tiềm năng cho căn bệnh suy nhược này.
Ở bệnh tự miễn đa xơ cứng (MS), hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vỏ myelin bọc bảo vệ các dây thần kinh, gây ra những tổn thương không thể phục hồi và làm gián đoạn giao tiếp giữa não và cơ thể. Sự phân hủy myelin - được gọi là thoái hóa myelin - có thể gây ra các triệu chứng có mức độ nghiêm trọng từ tê và ngứa ran đến mù lòa và tê liệt.
Mục tiêu của mọi phương pháp điều trị MS là đảo ngược quá trình phân hủy myelin, giúp phục hồi chức năng thần kinh và giảm thiểu hoặc ngăn ngừa khuyết tật lâu dài. Thay vì đảo ngược quá trình phân hủy myelin, các phương pháp điều trị hiện tại tập trung vào khía cạnh tự miễn dịch của bệnh, ngăn chặn sự tế bào miễn dịch tiếp cận với myelin hoặc làm giảm phản ứng viêm của cơ thể.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu Trường Đại học California San Francisco đã xác định được một loại thuốc kháng histamine không kê đơn có tên là clemastine có thể đảo ngược tổn thương vỏ bọc myelin và hơn thế nữa, họ đã xác định được một dấu ấn sinh học có thể đo lường hiệu quả của thuốc.
Tất cả đều xoay quanh chất có tên gọi là "phần nước myelin nhỏ" hay MWF. Phần nước bị mắc kẹt giữa các lớp myelin quấn quanh các dây thần kinh trong não không thể di chuyển tự do như nước trôi nổi giữa các tế bào não. MWF đo tỷ lệ nước myelin trên tổng hàm lượng nước của mô não và cho biết tính nguyên vẹn của myelin.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 50 bệnh nhân mắc MS tham gia vào thử nghiệm ReBUILD, những người này được chia thành hai nhóm: nhóm đầu tiên nhận được clemastine trong ba tháng đầu tiên của nghiên cứu và nhóm thứ hai chỉ nhận được nó trong tháng thứ ba đến năm và được cho dùng giả dược. Sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI), họ đã đo MWF trong thể chai của bệnh nhân, bó sợi thần kinh dày nối giữa hai bên trái và phải của não dày đặc myelin.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong nhóm đầu tiên, nước myelin tăng lên sau khi những người tham gia nhận được thuốc kháng histamine và tiếp tục tăng cho đến khi ngừng sử dụng. Ở nhóm thứ hai, nước myelin giảm khi họ dùng giả dược và tăng lên khi họ dùng clemastine. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng sự tái tổ hợp đáng kể xảy ra ở những khu vực khác với những nơi có tổn thương MS có thể nhìn thấy, nghĩa là ở những khu vực mà myelin bị tổn thương hoặc bị sẹo.
Dựa trên những phát hiện của họ, họ nói rằng việc đo lường sự thay đổi MWF trong thể chai bằng MRI nên được sử dụng như một dấu ấn sinh học tiêu chuẩn để đánh giá các liệu pháp tái tổ hợp.
Ari Green, tác giả liên hệ của nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng dựa trên hình ảnh trực tiếp, được kiểm chứng về mặt sinh học đầu tiên về quá trình sửa chữa myelin do clemastine gây ra. Điều này sẽ thiết lập tiêu chuẩn cho các nghiên cứu trong tương lai về các liệu pháp tái tạo myelin”.
Các phát hiện của nghiên cứu cũng chứng thực kết quả của một nghiên cứu trước đây sử dụng cũng 50 người tham gia của UC San Francisco, cho thấy rằng clemastine làm giảm tín hiệu thần kinh bị trì hoãn.
Các nhà nghiên cứu nói rằng clemastine kích thích sự biệt hóa của các tế bào gốc chịu trách nhiệm tạo ra myelin và cung cấp một phương pháp điều trị đa xơ cứng thay thế mà không tập trung vào hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, trong khi kết quả đầy hứa hẹn, họ nói rằng vẫn cần phải nghiên cứu thêm nữa để điều chỉnh phương thức điều trị.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu có kế hoạch xem xét các tiềm năng của clemastine trong việc điều trị chấn thương não ở trẻ sinh non, những trẻ thường bị tổn thương myelin.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS gần đây.
P.T.T (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/antihistamine-reverses-ms-nerve-damage/, 13/6/2023