Thời tiết ấm hơn có thể không làm giảm covid-19
Cập nhật vào: Thứ ba - 14/04/2020 20:42
Cỡ chữ
Cả Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NAS) và một báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đang làm giảm hy vọng về việc COVID-19 có thể bắt đầu giảm bớt khi thời tiết nóng hơn, như với cảm lạnh và cúm.
Theo các chuyên gia tại Viện Hàn lâm khoa học quốc gia, các quốc gia hiện nằm trong vùng khí hậu “mùa hè” như Úc và Iran, vẫn đang có sự lây lan nhanh virus, nên không thể cho rằng các trường hợp nhiễm virus sẽ giảm khi ở những nơi khác độ ẩm và nhiệt độ tăng lên.
Một nghiên cứu mới được thực hiện từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 3 tại 224 thành phố ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi virus corona, ủng hộ quan điểm đó. Nghiên cứu đã phát hiện ra sự lan truyền virus corona dường như không thay đổi theo những biến động của nhiệt độ hoặc độ ẩm hàng ngày.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Ye Yao tại trường Đại học Phục Đán, Thượng Hải nêu rõ: "Nghiên cứu của chúng tôi không ủng hộ giả thuyết cho rằng rằng nhiệt độ cao và bức xạ cực tím [ánh nắng mặt trời] có thể làm giảm lan truyền COVID-19. Có thể là vội vã khi dựa vào thời tiết ấm hơn để kiểm soát COVID-19". TS. Robert Glatter, chuyên gia y tế khẩn cấp tại trung tâm bùng phát dịch bệnh COVID-19 của Hoa Kỳ và là bác sỹ tại bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York cũng đồng tình với quan điểm này. Phát hiện mới "trái ngược với tuyên bố đầu tháng 2, đó là virus sẽ biến mất một cách kỳ diệu vào tháng 4 khi nhiệt độ tăng".
Tuy nhiên, vẫn có một số lý do để hy vọng. Như nhóm nghiên cứu Trung Quốc nhấn mạnh, từ lâu mọi người đều biết rằng nhiễm trùng đường hô hấp trên có xu hướng tập trung vào mùa lạnh. Lý do chính xác chưa rõ ràng, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn còn một số yếu tố tác động.
Mùa hè nắng nhiều có thể làm tăng lượng vitamin D tự nhiên của con người, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Các tia bức xạ mặt trời cũng được cho là giúp tiêu diệt các loại virus như cúm và cảm lạnh thông thường. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia đều cho trẻ nghỉ hèn nên cũng làm giảm tốc độ lây lan.
Nhưng virus corona thì sao?
Như Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa KỲ đã lưu ý trong một bản tin mới đây, "các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra mối quan hệ giữa nhiệt độ và độ ẩm cao hơn với việc giảm khả năng sống sót của virus COVID-19 trong phòng thí nghiệm". Nhưng cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự lây lan virus corano từ người sang người.
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hành phân tích sự phức tạp trong việc lây lan virus corona mới trên khắp đất nước Trung Quốc, bao gồm tỉnh Hồ Bắc nơi đại dịch toàn cầu bùng phát. Họ đã so sánh dữ liệu dịch tễ học với sự biến động của nhiệt độ hàng ngày và lượng ánh nắng mặt trời, cũng như sự thay đổi độ ẩm.
Theo báo cáo của nhóm đăng trên tạp chí European Respiratory ngày 9/4/2020, sau khi điều chỉnh độ ẩm và tia cực tím, "khả năng lan truyền của COVID-19 sẽ không thay đổi khi nhiệt độ tăng". Tương tự, việc điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời cũng không ảnh hưởng đến tốc độ lan truyền virus.
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng những mô hình này tương tự như những gì đã quan sát thấy, khi dịch bệnh hội chứng hô hấp Trung Đông hay MERS bùng phát từ năm 2012 - 2013. Trong đợt bùng phát đó, các trường hợp nhiễm MERS vẫn lan rộng ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài ở bán đảo Ả Rập tăng lên đến 45 độ C.
Các nhà khoa học lưu ý: "Bệnh zoonotic mới [bắt nguồn từ động vật], như Ebola hoặc các chủng cúm đại dịch, cũng đã xuất hiện trong các mô hình không thể dự đoán".
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Trung Quốc nhấn mạnh rằng nghiên cứu của họ chưa phải là cuối cùng và “chắc chắn, các nghiên cứu sâu hơn với thời gian theo dõi dài hơn và phạm vi nhiệt độ rộng hơn mới đảm bảo".
Viện Hàn lâm khoa học quốc gia cho rằng: "Các nghiên cứu bổ sung khi đại dịch lan rộng, có thể làm sáng tỏ hơn về tác động của khí hậu đối với sự lan truyền virus. Một số bằng chứng cho thấy virus COVID-19 lan truyền kém hiệu quả hơn trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao, nhưng do thiếu khả năng miễn dịch với virus trên toàn cầu, nên giảm hiệu quả lan truyền không làm giảm đáng kể bệnh lây lan mà không áp dụng đồng thời các biện pháp can thiệp y tế mạnh mẽ".
Bác sỹ Miriam Smith, trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Long Island Jewish Forest Hills cho rằng: "Cho đến khi miễn dịch cộng đồng được tạo ra, các phương pháp điều trị sẵn có và vắc-xin được phát triển, thì giãn cách xã hội sẽ tiếp tục góp phần giảm lan truyền virus".
N.P.D (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2020/04/09/Warmer-weather-may-not-curb-COVID-19-study-in-China-says/1801586448058/?sl=8, 9/4/2020
khoa học, quốc gia, báo cáo, nghiên cứu, nhà khoa học, hy vọng, có thể, bắt đầu, thời tiết