Thiết bị theo dõi từ xa giúp giảm tỷ lệ nhập viện do suy tim và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống bệnh nhân
Cập nhật vào: Thứ tư - 31/05/2023 11:06 Cỡ chữ
Nghiên cứu đầu tiên về theo dõi áp lực động mạch phổi từ xa đã phát hiện ra rằng nó cho phép cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ nhập viện do suy tim ở bệnh nhân suy tim mạn tính. Những phát hiện này được trình bày trong phiên khoa học đột phá tại Heart Failure 2023, Chương trình đại hội khoa học của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) và đã được công bố trên tạp chí The Lancet gần đây.
Tiến sĩ Jasper Brugts, Trung tâm Y tế Đại học Erasmus, Rotterdam, Hà Lan cho biết: “Áp lực động mạch phổi là một dấu hiệu của tắc nghẽn huyết động, xảy ra vài tuần trước khi các triệu chứng phát triển, tạo điều kiện cho bệnh nhân có thêm cơ hội ngăn ngừa tắc nghẽn quá mức và nhập viện điều trị sau đó. Bên trong thiết bị MONITOR-HF, các bác sĩ cài đặt theo dõi huyết động đích, cho phép họ có thể đưa ra chính xác các liệu pháp điều trị phù hợp như cho bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu hay các loại thuốc khác”.
Mặc dù vẫn tồn tại một số vấn đề sau hai thử nghiệm trước đó về theo dõi áp lực động mạch phổi ở bệnh nhân suy tim mạn tính ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thử nghiệm CHAMPION, được công bố vào năm 2011, cho thấy kết quả khả quan ở những bệnh nhân suy tim độ III của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA), phân suất tống máu trung bình là 30%, đã từng nhập viện vì suy tim trước đó và cấp điều trị theo hướng dẫn y tế cơ bản tương đối thấp.
Thiết bị MONITOR-HF đã được thử nghiệm mức độ hiệu quả của việc theo dõi huyết động đối với chất lượng cuộc sống và tình trạng nhập viện do suy tim so với tiêu chuẩn chăm sóc hiện đại ở Hà Lan
Thử nghiệm thu nhận 348 bệnh nhân từ 25 trung tâm ở Hà Lan. Bệnh nhân bị suy tim mãn tính, phân suất tống máu bất kỳ, các triệu chứng NYHA cấp III và nhập viện do suy tim trước đó hoặc cấp cứu cần phải dùng thuốc lợi tiểu tiêm tĩnh mạch trong 12 tháng qua. Độ tuổi trung bình là 69 tuổi, 25% là phụ nữ và phân suất tống máu trung bình là 30%.
Những người tham gia được phân bổ ngẫu nhiên theo tỷ lệ 1:1 để theo dõi áp lực động mạch phổi ngoài chăm sóc thông thường hoặc chỉ chăm sóc thông thường (bao gồm cả việc tiếp cận các phép đo thông thường trong phòng thí nghiệm như natriuretic peptide và siêu âm tim hàng năm). Tất cả các bệnh nhân được theo dõi trong ít nhất 12 tháng. Thời gian theo dõi trung bình là 18 tháng và tối đa là 48 tháng.
Các bệnh nhân trong nhóm theo dõi được cấy một cảm biến nhỏ, không dây, không dùng pin vào động mạch phổi qua tĩnh mạch đùi. Phép đo áp suất được thực hiện mỗi sáng trong khoảng 18 giây và kết quả đọc được gửi đến một trang web bảo mật an toàn. Các bác sĩ đã truy cập dữ liệu và đặt áp lực đích cho từng bệnh nhân, điều này chỉ ra sự cần thiết phải xem xét lại việc điều trị bằng thuốc.
Tiêu chí đánh giá chính là sự thay đổi về chất lượng cuộc sống được đo bằng Bảng câu hỏi về Bệnh cơ tim của Thành phố Kansas (KCCQ) sau 12 tháng và tiêu chí phụ là số lần nhập viện do suy tim và/hoặc số lần phải nhập viện khám khẩn cấp cần dùng thuốc lợi tiểu tiêm tĩnh mạch trong quá trình theo dõi.
Sau 12 tháng, thay đổi trung bình trong điểm tóm tắt chung của KCCQ là +7 điểm ở nhóm được theo dõi và -0,2 điểm ở nhóm chăm sóc thông thường, mang lại sự khác biệt trung bình giữa các nhóm là 7,1 điểm theo hướng theo dõi (p=0,013). Trong thời gian theo dõi trung bình 1,8 năm, có 117 trường hợp nhập viện hoặc thăm khám khẩn cấp do suy tim ở nhóm theo dõi và 212 trường hợp ở nhóm chăm sóc thông thường, điều này cho thấy giảm đến 44% khi được theo dõi (tỷ số nguy cơ 0,56; khoảng tin cậy 95% 0,38-0,84; p<0,01).
Lợi ích điều trị này nhất quán ở các phân nhóm có phân suất tống máu ≤40% và >40%. Quy trình này tương đối an toàn và đáng tin cậy với 97,7% không gặp phải các biến chứng liên quan đến thiết bị hoặc hệ thống và 98,8% không bị lỗi cảm biến trong quá trình theo dõi.
Việc theo dõi áp lực động mạch phổi cho thấy có tác dụng và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và khả năng nhập viện do suy tim.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2023-05-remote-heart-failure-hospitalizations-quality.html. 19/5/2023