Tế bào gốc mất đi 'chất keo' và thoát ra khỏi nang tóc để gây rụng tóc
Cập nhật vào: Thứ hai - 15/11/2021 02:48
Cỡ chữ
Theo một nghiên cứu từ các nhà khoa học Northwestern Medicine, nguyên nhân mới được phát hiện gây hói đầu ở những con chuột đực đang già đi có thể tiết lộ nguyên nhân gây rụng tóc ở nam giới và phụ nữ. Phát hiện cung cấp cái nhìn mới về cách tóc và mô già đi. Kết quả được công bố trên tạp chí Nature Aging cho thấy khi tế bào gốc của tóc già đi, chúng sẽ mất đi tính dính bám bên trong nang tóc. Khi độ kết dính suy giảm, các tế bào gốc thoát ra khỏi vị trí của chúng, được gọi là chỗ phồng, vào lớp hạ bì. Bên ngoài môi trường vi mô mỏng manh, chúng thường không thể tồn tại.
Tác giả chính Rui Yi, Giáo sư nghiên cứu bệnh lý học Paul E. Steiner tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết: “Kết quả là ngày càng ít tế bào gốc trong nang lông để tạo ra tóc. Điều này dẫn đến tóc mỏng và sau đó là hói đầu trong quá trình lão hóa”. Phát hiện này có thể áp dụng cho những người đàn ông và phụ nữ lớn tuổi có mái tóc mỏng vì có nhiều điểm tương đồng giữa chuột và người về tóc và tế bào gốc. Đây là lần đầu tiên sự lão hóa của nang tóc được theo dõi ở động vật sống, cho phép các nhà khoa học có cái nhìn về tế bào theo thời gian thực về quá trình lão hóa.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra hai gen quan trọng chịu trách nhiệm tăng cường khả năng kết dính của các tế bào gốc. Ở nghiên cứu hiện tại, họ đang cố gắng phục hồi các gen này để xem liệu điều đó có thể đảo ngược tình trạng rụng tóc hay không. Nang tóc trải qua các chu kỳ rụng và mọc. Trong những chu kỳ bình thường này, một lượng lớn tế bào gốc thường trú trong khoang tế bào gốc của nang tóc tiếp tục sản xuất tế bào nang tóc. Và họ tin rằng cơ chế thoát tế bào gốc này chưa từng được báo cáo trước đây, bởi vì không ai có thể theo dõi quá trình lão hóa ở động vật sống. Các nang tóc trở nên thu nhỏ trong quá trình lão hóa. Nhưng nó xảy ra như thế nào thì không rõ ràng. Nhiều nhà khoa học cho rằng đó là do tế bào chết đi hoặc tế bào không có khả năng phân chia khi chúng già đi.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã gắn nhãn các tế bào nang lông, bao gồm cả tế bào gốc, với protein huỳnh quang màu xanh lá cây trên chuột sống và sử dụng tia laze có bước sóng dài để quan sát các tế bào nang lông trong quá trình lão hóa. Họ quan sát cùng một nang tóc liên tục trong nhiều ngày (trong một trường hợp, một nang tóc được quan sát trong 26 ngày và thấy toàn bộ quá trình suy thoái nang tóc). Họ đã nhìn thấy những dấu hiệu của sự mất đi bất thường của tế bào. Tiếp theo, là so sánh mức độ biểu hiện gen giữa động vật nhỏ và trưởng thành trong tế bào gốc nang trứng. Và đã tìm thấy ít biểu hiện của các gen chịu trách nhiệm kết dính trong các tế bào gốc nang tóc cũ.
Sau đó, tiếp tục xác định nhóm gen đặc biệt có thể điều chỉnh các gen kết dính tế bào này. Họ đã loại bỏ hai gen này, FOXC1 và NFATC1, về mặt di truyền ở động vật đột biến. Kết quả: sự tiến triển nhanh chóng của rụng tóc bắt đầu từ tháng thứ tư. Trong vòng 12 đến 16 tháng, những con chuột này trở nên hói hoàn toàn. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh trực tiếp để quan sát sự thoát ra của tế bào gốc ở những con chuột đột biến này và ghi lại hành động của tế bào gốc di chuyển ra khỏi hốc tế bào gốc.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2021-10-stem-cells-hair-follicle-loss.html, 26/10/2021