Phát hiện ra cách chống lại tác động của chế độ ăn nhiều chất béo
Cập nhật vào: Thứ ba - 18/04/2023 00:08
Cỡ chữ
Các nhà sinh vật học tại trường Đại học California, Irvine, Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng việc loại bỏ thành phần SAPS3 ở chuột, cho phép duy trì sự cân bằng năng lượng bình thường mặc dù chúng ăn theo chế độ nhiều chất béo. Kết quả này có thể cho ra đời các phương pháp điều trị béo phì, tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa khác bằng cách nhắm mục tiêu ức chế SAPS3.
Ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, nhưng cơ chế của vấn đề này vẫn chưa được hiểu rõ. Giờ đây, các nhà sinh vật học tại Đại học California, Irvine (UCI) đã phát hiện cách tránh những tác hại do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra. Nghiên cứu đã được công bố gần đây trên tạp chí khoa học Nature Communications.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào phức hợp protein được gọi là AMPK có khả năng xác định khối lượng dinh dưỡng được nạp vào cơ thể và tác động để duy trì sự cân bằng dinh dưỡng. Ví dụ, nếu AMPK phát hiện ra lượng đường glucose thấp, sẽ thúc đẩy quá trình phân hủy lipid để sản sinh năng lượng thay thế. Các nhà khoa học đều biết rằng tiêu thụ khối lượng lớn chất béo sẽ ngăn chặn hoạt động của AMPK, làm cho quá trình trao đổi chất bị mất cân bằng. Tuy nhiên, cho đến nay, cách các tế bào ngăn chặn cơ chế này vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi rộng, đặc biệt là trong các mô hình thực tế.
Các nhà sinh vật học tại UCI đã tiến hành nghiên cứu vì tin rằng thành phần AMPK có tên là SAPS3 đóng vai trò quan trọng. Họ đã loại bỏ SAPS3 khỏi bộ gen của một nhóm chuột và cho chúng ăn theo chế độ ăn có chứa 45% hàm lượng chất béo. Mei Kong, giáo sư sinh học phân tử & hóa sinh và đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Việc loại bỏ thành phần ức chế SAPS3 đã kích hoạt giải phóng AMPK ở những con chuột này, cho phép duy trì sự cân bằng năng lượng bình thường mặc dù chúng ăn khối lượng lớn chất béo. Chúng tôi rất ngạc nhiên về việc chuột duy trì cân nặng bình thường, tránh béo phì và mắc bệnh tiểu đường”.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển các phân tử ức chế SAPS3 và khôi phục lại sự cân bằng của quá trình trao đổi chất. Các tác giả dự kiến sẽ xác định vai trò của SAPS3 trong các điều kiện khác với hệ thống trao đổi chất bị rối loạn như ung thư và lão hóa.
Phát hiện nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh các bệnh liên quan đến trao đổi chất như béo phì và tiểu đường tiếp tục gia tăng. Theo Liên đoàn Béo phì Thế giới, hơn một nửa dân số toàn cầu sẽ bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2035, trong khi năm 2020, tỷ lệ này chỉ là 38%. Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia đã dự báo số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới sẽ là 578 triệu người vào năm 2030, tăng 25% so với năm 2019.
N.P.D (NASATI), theo https://scitechdaily.com/obesity-breakthrough-biologists-discover-how-to-counteract-effects-of-high-fat-diet/, 6/4/2023