Nồng độ folate thấp và cao trong thai kỳ đều liên quan đến tình trạng tăng dị tật tim ở trẻ sơ sinh
Cập nhật vào: Thứ hai - 04/11/2024 12:11 Cỡ chữ
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, phụ nữ mang thai có nồng độ folate trong máu thấp hoặc quá cao có thể khiến con họ có nguy cơ cao mắc bệnh tim bẩm sinh hơn.
Mối liên hệ giữa nồng độ folate, vitamin B12 và homocysteine ở mẹ và nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh (CHD) ở con. Nguồn: JAMA Network Open (2024).
Folate là một loại vitamin B rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi và được khuyến nghị sử dụng để ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh. Bệnh tim bẩm sinh (CHD) là dị tật bẩm sinh phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 2,3% trẻ sơ sinh. Vai trò của folate trong việc ngăn ngừa CHD vẫn chưa rõ ràng bởi các nghiên cứu trước đây có kết quả trái ngược nhau. Với các khuyến nghị bổ sung folate trong thai kỳ và tăng cường axit folic trong nhiều loại thực phẩm, lượng folate hấp thụ đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Những kết quả mâu thuẫn này cần sớm được giải quyết.
Trong một nghiên cứu bệnh-chứng, thường được dùng trong dịch tễ học để tìm nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt các trường hợp bệnh hiếm hoặc khó có, có tên là "Maternal Serum Folate During Pregnancy and Congenital Heart Disease in Offspring (tạm dịch là Folate huyết thanh của mẹ trong thời kỳ mang thai và bệnh tim bẩm sinh ở con cái), được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ hình chữ U giữa nồng độ folate huyết thanh của mẹ trong thời kỳ đầu mang thai và nguy cơ mắc CHD ở con cái. Điều này chỉ ra rằng cả nồng độ folate thấp và cao đều có liên quan đến nguy cơ mắc CHD tăng cao.
Nghiên cứu bao gồm 129 trẻ được chẩn đoán mắc CHD và 516 trẻ không mắc. Các mẫu máu của mẹ được lấy vào khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ để đo nồng độ folate, vitamin B12 và homocysteine. Dữ liệu huyết thanh của các bà mẹ được phân nhóm theo số lượng folate thấp (25%), trung bình (50%) và cao (25%). Những bà mẹ trong nhóm nồng độ folate thấp có nguy cơ sinh con mắc CHD cao hơn 3 lần so với những bà mẹ ở mức trung bình. Những người trong nhóm nồng độ folate cao nhất cũng cho thấy nguy cơ gia tăng, với nguy cơ mắc CHD ở con cái cao hơn 1,81 lần. Tuy nhiên, Folate không phải nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này. Trẻ em sinh ra từ những bà mẹ bị thiếu vitamin B12 và folate thấp có nguy cơ mắc CHD cao gấp 7 lần. Trong nhóm folate cao, tình trạng thiếu hụt B12 có liên quan đến nguy cơ mắc CHD cao gấp 6 lần. Nồng độ homocysteine cao và folate thấp cho thấy nguy cơ mắc CHD cao gần gấp 9 lần và nguy cơ cao gấp 7 lần trong nhóm folate cao.
Tỷ lệ nồng độ homocysteine cao hơn chiếm khoảng 32,9% mối liên quan giữa nồng độ folate thấp và nguy cơ mắc CHD tăng, đây là một phát hiện khá thú vị. Homocysteine là một axit amin tham gia vào một con đường chuyển hóa quan trọng trong cơ thể có tên là chu trình methionine-homocysteine. Chu trình này rất cần thiết cho nhiều chức năng của tế bào, bao gồm tổng hợp DNA, sửa chữa và methyl hóa. Nồng độ homocysteine cao trong máu (ngoài thai kỳ) là một tình trạng được gọi là tăng homocysteine máu. Tình trạng này thường do nồng độ folate, vitamin B12 hoặc vitamin B6 không được cung cấp đủ. Nó cũng có thể do đột biến ở gen mã hóa enzyme trong chu trình methionine-homocysteine, dẫn đến việc chuyển đổi homocysteine trở lại methionine không đủ. Vì chu trình bình thường sử dụng nhóm vitamin B nên dự kiến có thể nồng độ folate và B12 tăng cao.
Uống quá nhiều cà phê, rượu hoặc hút thuốc có thể làm tăng homocysteine và nồng độ homocysteine cao có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch tăng cao, bao gồm bệnh động mạch vành và đột quỵ ở người lớn. Khi phát hiện thấy cả nồng độ folate thấp và cao liên quan đến nguy cơ mắc CHD và mối tương quan thậm chí còn mạnh hơn với nồng độ B12 thấp và nồng độ homocysteine cao, nghiên cứu hiện tại đặt ra những câu hỏi thú vị về các cơ chế cơ bản mà các nghiên cứu trong tương lai sẽ cần phải giải quyết.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/ 10/2024