Nhiễm trùng ở bà mẹ mang thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ sơ sinh
Cập nhật vào: Thứ ba - 28/02/2023 23:08 Cỡ chữ
Một nhóm các nhà khoa học y tế quốc tế đã tìm thấy thêm bằng chứng về việc nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu ở trẻ sơ sinh. Trong bài báo đăng trên Tập san học thuật JAMA Network Open, nhóm đã phân tích dữ liệu từ một số cơ quan đăng ký y tế của Đan Mạch để tìm kiếm mối liên hệ giữa các loại nhiễm trùng khác nhau ở phụ nữ mang thai và liệu chúng có làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ sơ sinh hay không.
Bệnh bạch cầu là một loại ung thư tác động tiêu cực đến các tế bào máu, ngăn chúng phát triển thành một số loại tế bào khác, chẳng hạn như những tế bào được sử dụng bởi hệ miễn dịch. Bệnh bạch cầu là loại ung thư phổ biến nhất được tìm thấy ở trẻ em. Nguyên nhân của nó vẫn chưa được biết, nhưng nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một số mối liên quan giữa nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai và tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ được sinh ra. Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã dùng một cách tiếp cận mới để tìm ra những mối liên hệ như vậy.
Các nhà khoa học đã truy cập và phân tích dữ liệu y tế trong một số cơ quan đăng ký y tế của Đan Mạch. Tổng cộng, họ đã xem xét hồ sơ của hơn 2,2 triệu trẻ em sống ở Đan Mạch, tìm kiếm các trường hợp nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai và bệnh bạch cầu phát triển ở trẻ khi chúng lớn lên (đến độ tuổi trung bình là 12). Trong số các hồ sơ được nghiên cứu, 4.362 trẻ em được chẩn đoán mắc bất kỳ loại ung thư nào trước 15 tuổi; trong số đó, 1.307 trẻ mắc bệnh bạch cầu.
Họ phát hiện thấy trẻ sinh ra từ những phụ nữ mang thai bị bất kỳ loại nhiễm trùng nào trong thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao hơn 35% so với mức trung bình. Và loại nhiễm trùng tạo ra sự khác biệt. Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao hơn 142% nếu mẹ chúng bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi đang mang thai và 65% nếu chúng bị nhiễm trùng đường sinh dục.
Nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa nhiễm trùng ở bà mẹ mang thai và tăng nguy cơ trẻ sơ sinh phát triển bất kỳ loại ung thư nào khác. Họ cho rằng có những yếu tố liên quan đến miễn dịch góp phần vào sự phát triển của bệnh bạch cầu ở trẻ em. Họ cũng lưu ý rằng một số trường hợp bệnh bạch cầu có thể bắt đầu từ trong tử cung; nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các tổn thương trên nhiễm sắc thể ở trẻ em mắc bệnh bạch cầu đã được quan sát thấy khi sinh.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2023-02-evidence-infections-pregnant-mothers-leukemia.html, 22/2/2023