Nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng tới 42% nếu huyết áp cao không được điều trị
Cập nhật vào: Thứ tư - 18/09/2024 13:17 Cỡ chữ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 46% trong số 1,28 tỷ người lớn trên toàn thế giới bị huyết áp cao nhưng không biết mình bị bệnh. Theo một phân tích tổng hợp mới, việc sống chung với tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở những người từ 60 tuổi trở lên.
Theo phân tích, những người bị huyết áp cao không được điều trị có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 36% so với những người không bị huyết áp cao và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 42% so với những người dùng thuốc huyết áp để kiểm soát huyết áp.
Tiến sĩ Matthew Lennon, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Lão hóa não khỏe mạnh tại Đại học New South Wales - Úc, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Mối quan hệ này không bị thay đổi khi tuổi tác tăng lên và ngay cả những người ở độ tuổi 70 và 80 cũng có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn đáng kể nếu huyết áp cao được điều trị".
Ngoài ra, những người bị tăng huyết áp không dùng thuốc có nguy cơ mắc các loại chứng mất trí khác không phải bệnh Alzheimer cao hơn 69% so với những người không bị tăng huyết áp, trong khi những người bị tăng huyết áp không được kiểm soát tốt có nguy cơ mắc các loại chứng mất trí khác không phải Alzheimer cao hơn 33%. Tuy nhiên, nếu huyết áp được kiểm soát bằng thuốc, thì không có nguy cơ mắc chứng mất trí không phải bệnh Alzheimer như chứng mất trí mạch máu, trán thái dương và thể Lewy.
Theo WHO, đáng tiếc là nhiều người được chẩn đoán mắc chứng huyết áp cao nhưng lại không dùng thuốc thường xuyên hoặc bị tăng huyết áp kháng trị. Trên thực tế, chỉ có khoảng 1 trong 5 người lớn kiểm soát được tình trạng bệnh của mình.
Tiến sĩ Andrew Freeman, Giám đốc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tim mạch tại National Jewish Health ở Denver, người không tham gia vào nghiên cứu mới này cho biết: "Số liệu thống kê về huyết áp thật đáng sợ". Ông cho biết: cứ 20 điểm phần trăm trung bình sẽ có một người có huyết áp tâm thu trên 120 (là con số cao nhất của chỉ số huyết áp), nguy cơ mắc biến cố tim mạch sẽ tăng gấp đôi. Đây là một yếu tố nguy cơ cực lớn mà hầu hết mọi người không chú ý đủ hoặc không kiểm soát đúng cách. Tuy nhiên, nếu mọi người nghĩ rằng huyết áp chỉ ảnh hưởng đến tim của họ, thì một phần rất lớn của câu chuyện đã bị bỏ sót, Freeman cho biết. “Nếu bạn bị bệnh động mạch vành, thì toàn bộ cơ thể bạn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bạn bị bệnh mạch máu có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, bao gồm cả não và ngoại vi”, ông nói.
Theo bác sĩ chuyên khoa thần kinh Richard Isaacson, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Bệnh thoái hóa thần kinh ở Boca Raton, Florida, trên thực tế, huyết áp cao không được kiểm soát từ lâu đã được cho là có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh thận, đột quỵ, tiểu đường tuýp 2 và chứng mất trí nói chung cũng như nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nhiều.
Trong khi sự phát triển của các cụm beta-amyloid và sự bùng nổ của các đám rối tau được cho là nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer, thì các tác nhân gây bệnh mãn tính không được kiểm soát lại thổi bùng ngọn lửa gây ra tình trạng viêm trong não, theo Isaacson, người không tham gia vào nghiên cứu mới này cho biết. Isaacson nói: “Các yếu tố nguy cơ mạch máu không được kiểm soát như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường không nhất thiết gây ra bệnh Alzheimer, nhưng chúng sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển bệnh Alzheimer và làm gia tăng nguy cơ”.
Quan điểm toàn cầu về huyết áp và chứng mất trí
Phân tích tổng hợp, được công bố trên tạp chí Neurology, đã phân tích dữ liệu trong bốn năm của hơn 31.000 người có độ tuổi trung bình là 72 từ 14 quốc gia: Úc, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Cộng hòa Congo, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hoa Kỳ. Kết quả nghiên cứu cho thấy không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào giữa các nhóm giới tính hoặc chủng tộc khi đề cập đến việc kiểm soát huyết áp và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng cao. "Đây là một kết quả rất hứa hẹn vì nó cho thấy rằng việc chăm sóc tối ưu cho một nhóm sẽ tương tự đối với những nhóm khác. Điều quan trọng là phải công bố và phổ biến kiến thức về việc quản lý bệnh mãn tính ở các nước đang phát triển. Thực tế là ở những khu vực này, các bệnh mãn tính ít được hiểu rõ nhất nhưng cũng là nơi xảy ra phần lớn các trường hợp mắc chứng mất trí mới trong những thập kỷ tới", Lennon cho biết.
Alzheimer là một căn bệnh khiến mọi người mất trí nhớ và khả năng tự chăm sóc bản thân. Lennon cho hay, những người bị huyết áp cao không được điều trị có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ mạch máu cao hơn 110% - dạng mất trí nhớ phổ biến thứ hai sau bệnh Alzheimer - so với những người không bị tăng huyết áp và nguy cơ cao hơn 71% khi so sánh với những người đã được điều trị huyết áp cao. Nhưng do quy mô mẫu nhỏ nên những kết quả đó không đạt được ý nghĩa thống kê khi các nghiên cứu được điều chỉnh hoàn toàn theo các yếu tố gây nhiễu. Tuy nhiên, các tài liệu khoa học chứa đầy các nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp làm hỏng các mạch máu nhỏ và làm giảm lưu lượng máu đến não. Lennon cho biết, có thể các nghiên cứu trong phân tích tổng hợp mới này chưa theo dõi mọi người đủ lâu để chỉ ra mối liên quan. Phân tích tổng hợp đã chỉ ra mối liên quan hình chữ U giữa bệnh Alzheimer và huyết áp cao phụ thuộc vào độ tuổi, điều này khiến cho việc áp dụng một phương pháp điều trị phù hợp với tất cả mọi người trở nên khó khăn.
Bác sĩ Richard Isaacson cũng cho biết: "Thách thức khi lựa chọn mục tiêu huyết áp để phòng ngừa chứng mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer tối ưu nằm ở đường cong hình chữ U này: Nếu huyết áp quá thấp thì có khả năng làm tăng nguy cơ và nếu huyết áp quá cao thì cũng làm tăng nguy cơ". "Mục tiêu huyết áp tổng quát chung mà chúng tôi ủng hộ khi nói đến huyết áp tâm thu (chỉ số trên), là dưới 120s và dưới 70 đối với huyết áp tâm trương (chỉ số dưới). Tuy nhiên, mỗi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ và cá nhân hóa những chỉ số đó".
Cách kiểm soát huyết áp của bạn
Theo các chuyên gia, bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các bệnh mãn tính khác liên quan đến tăng huyết áp không kiểm soát như là theo dõi các chỉ số huyết áp của bạn; không hút thuốc, uống đồ uống có chứa caffei; tập thể dục trong ít nhất 30 phút mỗi ngày; Uống thuốc huyết áp đều đặn hàng ngày; thay đổi lối sống như thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm lượng natri và ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo tốt thực sự hiệu quả.
P.T.T (Nasati), theo https://edition.cnn.com/, 9/2024