Nghiên cứu ứng dụng virus vaccine sởi và quai bị gây ly giải tế bào điều trị ung thư gan và đại trực tràng trên thực nghiệm
Cập nhật vào: Thứ năm - 26/09/2019 23:13 Cỡ chữ
Ung thư là một quá trình bệnh lý phát triển qua nhiều giai đoạn, là hậu quả từ sự tích lũy tăng dần của các đột biến gen và kết quả của đột biến trong con đường tín hiệu thuộc nhiều con đường tín hiệu nội bào. Số lượng bệnh nhân bị và số ca tử vong do ung thư tăng dần theo thời gian. Những năm gần đây, đã có nhiều phương pháp mới, tiến bộ áp dụng điều trị ung thư bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như "điều trị đích", liệu pháp sinh học, gen trị liệu, vật liệu nano... Mặc dù các phương pháp điều trị mới có nhiều hứa hẹn, nhưng thống kê về tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cho thấy ngày càng đòi hỏi phải có liệu pháp mới, ưu biệt hơn.
Với công nghệ sinh học hiện đại, hiểu biết hơn về sinh học ung thư, virus học, các nhà khoa học đã có thể tạo ra các virus có khả năng lựa chọn khối u đặc hiệu, tăng khả năng phân giải tế bào ung thư và kích thích đáp ứng miễn dịch chống ung thư. Liệu pháp virus gây ly giải tế bào u (Oncolytic virus, (OV) là một phương thức điều trị biến sự sao chép virus thành vũ khí tiêu diệt các tế bào ung thư và không ảnh hưởng đến các tế bào lành. OV có nhiều lợi thế hơn so với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống, bao gồm giảm độc tính tác dụng phụ, khả năng áp dụng rộng rãi cho nhiều loại ung thư và là một phương thức tự khuếch đại các hoạt động kháng u bằng cách có thể sản xuất virus ly giải tế bào u nhiều hơn tại khối u. "Cuộc cách mạng sinh học phân tử" đã thay đổi cơ bản mọi khía cạnh sinh học, cho phép thiết kế hợp lý và sản xuất ra các virus biểu thị các đặc điểm nhằm vào các tế bào u đặc hiệu, ứng dụng trong điều trị ung thư hiện nay.
Liệu pháp sử dụng các vaccine virus sởi (MeV) và quai bị (MuV) sống, giảm độc lực điều trị ung thư người cũng đã được chứng minh có tác dụng và hiệu quả rõ rệt trên cả thực nghiệm và lâm sàng. Mặc dù, MeV, MuV đã được thử nghiệm với nhiều loại ung thư ở người, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đi sâu đánh giá hiệu quả OV sử dụng phối hợp MeV và MuV điều trị ung thư đại trực tràng và ung thư gan người. Bên cạnh đó, MeV và MuV sống, giảm độc lực đã được sử dụng để chủng ngừa trong nhiều thập kỷ qua với độ an toàn rất cao nên hoàn toàn có thể phát triển, ứng dụng điều trị trên bệnh nhân. Đây là một liệu pháp điều trị mới, có tiềm năng ứng dụng rất rộng rãi đã được quan tâm nghiên cứu ở nhiều nước phát triển và đã có các kết 2 quả từ các nghiên cứu trên bệnh nhân. Nghiên cứu thành công sẽ mở đầu cho việc áp dụng một kỹ thuật mới, điều trị ung thư ở nước ta.
Vì vậy, Đại tá PGS.TS Nguyễn Lĩnh Toàn, Học viện Quân Y cùng các đồng nghiệp đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu ứng dụng virus vaccine sởi và quai bị gây ly giải tế bào điều trị ung thư gan và đại trực tràng trên thực nghiệm” với mục tiêu sau:
1. Đánh giá tác dụng kháng ung thư của virus vaccine sởi và quai bị dùng đơn và phối hợp trên hai dòng tế bào ung thư gan và hai dòng ung thư đại trực tràng người in vitro.
2. Đánh giá hiệu quả điều trị ung thư của virus vaccine sởi và quai bị dùng đơn và phối hợp trên chuột thiếu hụt miễn dịch mang khối ung thư gan và đại trực tràng người.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả đáng chú ý:
1. Đánh giá tác dụng kháng ung thư của virus vaccine sởi và quai bị dùng đơn và phối hợp trên dòng tế bào ung thư gan và dòng ung thư đại trực tràng người in vitro kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Khi phối hợp hai virus vaccine sởi và quai bị có tác dụng gây ly giải tế bào cao hơn so với dùng đơn từng virus sởi hoặc quai bị trên cả dòng tế bào ung thư gan HepG2 và Hep 3B, và ung thư đại trực tràng HT 29 và HCT 116.
- Dùng đơn virus sởi hoặc quai bị có tác dụng ly giải đối với hai dòng tế bào ung thư gan và hai dòng tế bào ung thư đại trực tràng người, mức độ ly giải tỉ lệ thuận với nồng độ virus và tăng theo thời gian quan sát. Tỉ lệ tế bào chết chết theo chương trình (apoptosis) cao nhất khi tế bào được điều trị kết hợp 2 loại virus vaccine sởi và quai bị so với dùng đơn virus từng virus.
2. Đánh giá hiệu quả điều trị ung thư của virus vaccine sởi và quai bị trên chuột thiếu hụt miễn dịch mang khối ung thư gan Hep 3B và đại trực tràng HT29 người kết quả nghiên cứu cho thấy:
Chuột ung thư được điều trị phối hợp hai virus vaccine sởi và quai bị có kích thước khối u nhỏ hơn so với nhóm chứng:
- Chuột mang khối ung thư gan dòng Hep 3B được điều trị ở tuần thứ 6 có kích thước khối ung thư ở nhóm phối hợp hai virus sởi và quai bị và nhóm điều trị virus sởi dùng đơn có thể tích khối u nhỏ hơn rõ rệt so với nhóm chứng không điều trị (p<0,05). Trong đó nhóm điều trị phối hợp hai virus sởi và quai bị có kích thước khối u nhỏ rõ rệt so với nhóm chứng không điều trị và cả nhóm điều trị bằng virus sởi dùng đơn (p<0,05).
- Chuột mang khối ung thư đại trực tràng dòng HT29 được điều trị bằng tiêm phối hợp hai virus sởi và quai bị hoặc dùng đơn có tác dụng ức chế sự phát triển khối ung thư rõ rệt ở tuần thứ 3. Kích thước khối ung thư đại trực tràng người trên chuột nude ở nhóm điều trị phối hợp hai virus nhỏ hơn rõ rệt so với nhóm điều trị đơn virus và nhóm không điều trị, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <0,05). + Thời gian sống của chuột mang khối ung thư gan Hep 3B và đại trực tràng HT 29 ở nhóm điều trị phối hợp hai virus sởi và quai bị kéo dài hơn so với nhóm dùng đơn một virus sởi hoặc quai bị (p<0,05).
- Số chuột mang khối ung thư gan Hep 3B người tại hầu hết các thời điểm nghiên cứu số chuột sống sót ở nhóm điều trị đơn virus sởi hoặc quai bị và nhóm không điều trị đều ít hơn số nhóm điều trị phối hợp hai virus sởi và quai bị. Kết thúc thí nghiệm (ngày 60 sau điều trị), số chuột còn sống ở nhóm chứng không điều trị là 2/10 (20%), nhóm điều trị đơn virus sởi là 6/10 (60%) nhóm điều trị bằng virus quai bị là 4/10 (40%), trong khi đó nhóm điều trị phối hợp hai virus sởi và quai bị là cao nhất là 8/10 (80%). Tuy nhiên, chỉ có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm chứng không điều trị và nhóm phối hợp hai virus sởi và quai bị (p <0,05).
- Số chuột mang khối ung thư đại trực tràng HT 29 còn sống sót (sau 43 ngày theo dõi) ở nhóm điều trị virus virus dùng phối hợp hai sởi và quai bị, hoặc dùng đơn sởi hoặc quai bị có tỷ lệ % sống theo thứ tự là 100%, 60% và 60% kéo dài hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng không điều trị (0% sống) (p<0,05). Ở nhóm điều trị phối hợp hai virus sởi và quai bị có thời gian sống trung bình dài nhất và số chuột còn sống nhiều hơn (sau 50 ngày theo dõi) so với nhóm điều trị đơn virus sởi hoặc quai bị (p<0,05). Tuy nhiên, thời gian sống và số chuột chết ở 2 nhóm điều trị đơn lẻ virus sởi hoặc virus quai bị không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15053/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)