Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cắt toàn bộ hạ họng- thanh quản-thực quản và tái tạo hạ họng-thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họng thanh quản-thực quản cổ
Cập nhật vào: Thứ sáu - 26/04/2019 14:03 Cỡ chữ
Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cắt toàn bộ hạ họng- thanh quản-thực quản và tái tạo hạ họng-thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họng thanh quản-thực quản cổ
Ung thư Hạ họng - thanh quản là một loại khối u ác tính xuất phát từ lớp biểu mô của niêm mạc vùng hạ họng - thanh quản, bao gồm ung thư hạ họng và ung thư thanh quản. Ở giai đoạn sớm, tổn thương ở một vùng, nhưng giai đoạn muộn chúng lan sang nhau và khó phân biệt được đâu là điểm xuất phát vì vậy người ta thường gọi chung là ung thư thanh quản - hạ họng hay ung thư hạ họng - thanh quảntuỳ theo các biểu hiện lâm sàng ở đường thở trước hay đường tiêu hoá trước. Ung thư xuất phát ở hạ họng có tiên lượng xấu hơn ung thư ở thanh quản do các triệu chứng ban đầu tương đối kín đáo và phần lớn bệnh nhân đến khám giai đoạn muộn và có tiên lượng nặng. Điều trị ung thư hạ họng - thanh quản- thực quản hiện nay chủ yếu dựa vào Phẫu trị, Hoá trị và Xạ trị.Trong đó, việc phẫu thuật vẫn còn nhiều nghiên cứu đang được thực hiện nhằm mục đích làm sao cắt bỏ được hết khối u đồng thời thiết lập lại sự lưu thông liên tục của đường tiêu hoá bằng chuyển vị của các cơ quan khác. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, khoa Tai Mũi Họng là một đơn vị mạnh của khu vực phía Nam, từ năm 2004 chúng tôi đã kết hợp với các bác sĩ của Khoa ngoại tổng quát tiến hành việc sử dụng dạ dày tái tạo, thay thế thực quản trong những trường hợp sẹo, bỏng do các hoá chất ăn mòn. Sau đó, chúng tôi đã tiếp tục áp dụng kỹ thuật này để kéo lên cao hơn nối vào hạ họng, đáy lưỡi trong những trường hợp sau cắt thanh quản - hạ họng - thực quản toàn phần do ung thư ở giai đoạn muộn giai đoạn III giai đoạn IV. Phẫu thuật cắt thanh quản-hạ họng - thực quản toàn phần có tái tạo hạ họng thực quản bằng ống dạ dày trong một thì là một phẫu thuật lớn đòi hỏi phải có sự kết hợp tốt của hai kíp phẫu thuật chính là Ngoại Tổng Quát và Tai Mũi Họng đồng thời với kíp gây mê và chăm sóc hậu phẫu có kinh nghiệm. Ở Việt Nam hiện nay do chưa có công trình nghiên cứu nào thực hiện một cách hệ thống về tái tạo họng thực quản bằng ống dạ dày sau cắt thanh quản hạ họng thực quản toàn phần do ung thư.
Nhằm hoàn thiện một quy trình kỹ thuật cao vào điều trị bệnh bệnh nhân ở Việt Nam, nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư hạ họng thanh quản, hội nhập với xu thế của các nước trên khu vực và trên thế giới, giúp bệnh nhân Việt Nam có thể thụ hưởng được những thành tựu y học trên thế giới, nhóm nghiên cứu do PGS.TS.Trần Minh Trường, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cắt toàn bộ hạ họng- thanh quản-thực quản và tái tạo hạ họng-thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họngthanh quản-thực quản cổ”, với mục tiêu nghiên cứu đánh giá kết quả sớm phẫu thuật cắt toàn bộ hạ họng-thanh quản-thực quản và tái tạo hạ họng-thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họng-thanh quản-thực quản cổ, xây dựng được quy trình kỹ thuật cắt toàn bộ hạ họng-thanh quản-thực quản và tái tạo hạ họng-thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họng-thanh quản-thực quản cổ và xây dựng được quy trình hoá xạ trị sau phẫu thuật cắt toàn bộ hạ họng-thanh quảnthực quản và tái tạo hạ họng-thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họngthanh quản-thực quản cổ.
Qua nghiên cứu 30 trường hợp ung thư hạ họng - thanh quản - thực quản được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thanh quản - hạ họng - thực quản và tái tạo thực quản bằng ống dạ dày, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kết luận sau:
1. Đặc điểm ung thư hạ họng - thanh quản - thực quản trong nghiên cứu này như sau:
+ Thường gặp ở bệnh nhânlớn tuổi, có độ tuổi trung bình: 58,6 ± 9 tuổi.
+ Tần suất nam nhiều hơn nữ với tỷ lệ 14/ 1
+ Triệu chứng làm bệnh nhận phải nhập viện là khó thở 33,7%. Triệu chứng gây khó chịu làm người bệnh phải đi khám bệnh là rối loạn nuốt có ở hầu hết bệnh nhân. Các triệu chứng về hạch ít được bệnh nhân chú ý.
+ Mô bệnh học : Tất cả là ung thư tế bào gai (100%)
+ Bệnh nhận nhập viện đa phần là ung thư đã tiến triển ở giai đoạn muộn (III là 3,3%, IV là 96,7%).
2. Về xây dựng “Quy trình kỹ thuật cắt toàn bộ hạ họng - thanh quản - thực quản và tái tạo hạ họng - thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họng - thanh quản - thực quản cổ”:
- Kỹ thuật cắt hạ họng thanh quản do ung thư có xâm lấn thực quản.
- Kỹ thuật cắt dạ dày và tái tạo hạ họng - thực quản bằng ống dạ dày. Phẫu thuật cắt toàn bộ ung thự hạ họng - thanh quản - thực quản và tái tạo hạ họng - thực quản bằng ống dạ dày theo quy trình xây dựng hoàn chỉnh, cho kết quả sau:
+ Cắt thanh quản toàn phần
+ cắt hạ họng thực quản và tái tạo ống thực quản bằng dạ dày: 100%
+ Nạo vét hạch cổ chức năng: 100% và nạo vét hạch cố tận gốc: 16,5%
+ Biến chứng trong và sau phẫu thuật thấp chảy máu miệng nối (3,3%), hẹp miệng nối (3,3%), nhiễm trùng 10% và xử lý tốt.
+ Khả năng lấy hết u ở mức vi thể cao với kết quả mô bệnh học lát cắt rìa 96,7% âm tính.
+ Miệng nối hạ họng - ống dạ dày được cung cấp mạch máu nuôi tốt 96,7%. + Miệng nối không căng : 76,7%
+ Chiều dài ống dạ dày: 38,6 ± 3,1 cm + Đường kính ống dạ dày: 3 ± 0,5 cm
+ Đường kính miệng nối: 5 ± 0,3 cm
+ Bệnh nhân ăn uống sớm 86,7% + Miệng nối hạ họng - ống dạ dày qua nội soi cải thiện tốt 83,3% -88,8%
+ Thời gian xuất viện trung bình là 13,5 ± 2,6 ngày
3. Xây dựng bản đề xuất chế độ dinh dưỡng chu phẫu ở phẫu thuật cắt toàn bộ hạ họng - thanh quản - thực quản và tái tạo bằng ống dạ dày trong ung thư hạ họng thanh quản thực quản cổ:
- Phân loại tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhântrước mổ
+ Nếu không suy dinh dưỡng nặng : Có thể tiến hành phẫu thuật
+ Có suy dinh dưỡng nặng: Cần điều trị dinh dưỡng từ 7-14 ngày - Điều trị dinh dưỡng trước mổ bao gồm 6 bước nhằm đạt được: 25kcal/kg*/ngày (*kg cân nặng lý tưởng), đạm từ 1,5-2,0g/kg/ngày, cân bằng điện giải bằng dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch và hoặc đường miệng.
- Điều trị dinh dưỡng sau mổ: 30-35 kcal/kg*/ngày (*kg cân nặng lý tưởng), đạm từ 1,5-2,0 g/kg/ngày, cân bằng điện giải và vi chất dinh dưỡng truyền tĩnh mạch, cùng với bắt đầu dinh dưỡng qua ống thông mũi dạ dày sớm (48 tiếng sau phẫu thuật). Kết quả trung bình trọng lượng cơ thể, albumin và prealbumin lúc nhập viện, trước mổ và lúc xuất viện có khuynh hướng cải thiện tốt.
4. Xây dựng “Quy trình hóa xạ trị sau phẫu thuật cắt toàn bộ hạ họng-thanh quản-thực quản và tái tạo hạ họng-thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họng - thanh quản - thực quản cổ”:
- Quy trình hóa trị: kế hoạch hóa trị theo phác đồ DCX, chỉ hỗ trợ cho các bệnh nhân trong thời gian chờ xạ trị kéo dài.
- Quy trình xạ trị: Liều xạ trị (60Gy, 30 phân liều) sau phẫu thuật.
5. Tỷ lệ sống:
Qua 30 ca bệnh nhân được nghiên cứu trong đề tài, 25 bệnh nhân hiện còn đang sống.
Như vậy, phẫu thuật cắt toàn bộ hạ họng-thanh quản-thực quản và tái tạo hạ họng-thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư vùng hạ họng - thanh quản - thực quản cổ mặc dù là một phẫu thuật lớn, phức tạp, phối hợp nhiều chuyên khoa trên một nền tảng bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, nhưng kết quả thu nhận được là khả quan với những cải thiện về chất lượng cuộc sống cũng như thời gian sống còn. Nhóm nghiên cứu cũng có một số đề xuất cần tiếp tục thực hiện nghiên cứu và theo dõi tiếp tục để có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc và điều trị bệnh lý ung thư hạ họng - thanh quản xấm lấn thực quản. Nên triển khai kỹ thuật cắt toàn bộ hạ họng - thanh quản - thực quản và tái tạo thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư hạ họng - thanh quản thực quản tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương. Giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, cho dù là trong những hoàn cảnh bệnh lý khó khăn nhất. Việc chụp PET/CT trước khi thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ hạ họng - thanh quản - thực quản và tái tạo thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư hạ họng - thanh quản thực quản là cần thiết và nên là một xét nghiệm thường quy.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14731/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)