Nghiên cứu cơ chế kháng vemurafenib của các dòng tế bào melanoma mang đột biến BRAFV600E và đánh giá khả năng điều trị melanoma kháng vemurafenib bằng một số phytochemical
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/09/2019 19:14 Cỡ chữ
Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ chế kháng vemurafenib của các dòng tế bào melanoma mang đột biến BRAFV600E và đánh giá khả năng điều trị melanoma kháng vemurafenib bằng một số phytochemical”. Chủ nhiệm đề tài là ông Nguyễn Đình Thắng.
Trong đề tài này, các nhà khoa học đã thực hiện thành công các nghiên cứu sau:
+ Thành công trong việc hoạt hóa và nuôi cấy thành công các dòng tế bào ung thư A375P, A375M và SKMEL-28: Các dòng tế bào sau khi hoạt hóa và nuôi duy trì một thời gian dài có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nuôi cấy phòng thí nghiệm, có thể sử dụng cho các thí nghiệp tiếp theo.
+ Xác định được nồng độ vemurafenib phù hợp cho các thí nghiệm tạo dòng kháng thuốc: Đã khảo sát tác động của vemurafenib lên sự chết của các dòng tế bào ung thư này và xác định được nồng độ vemurafenib dùng cho quá trình chọn lọc các dòng tế bào kháng vemurafenib (5μM).
+ Thiết lập được các dòng tế bào melanoma kháng vemurafenib: Ba dòng tế bào A375M, A375P và Skmel-28 được nuôi trong môi trường RPMI (được bổ sung 10% FBS và 1% Penicillin/Streptomycin, giữ trong tủ ổn nhiệt 37 độ C có cung cấp 5% CO2) với có hoặc không có vemurafenib ở một nồng độ xác định trong 6 tháng liên tục với điều kiện tế bào được cấy chuyển và thay môi trường mới theo chu kỳ 3 ngày/lần. Tế bào có khả năng sống sót sau thời gian sàng lọc này sẽ là tế bào kháng thuốc vemurafenib.
+ Thành công trong việc thu nhận và phân tích biểu hiện protein của một số phân tử trong quá trình nuôi cấy và sàng lọc kháng thuốc vemurafenib: Protein tổng số của các dòng tế bào được sử dụng để phân tích và đánh giá sự ảnh hưởng của vemurafenib lên mức độ biểu hiện protein của các phân tử đóng vai trò quan trọng trong các con đường tín hiệu chính ảnh hưởng đến sự phát sinh và tiến triển của tế bào ung thư là MAPK và PI3K/AKT. Tế bào được cho phới nhiễm với vemurafenib ở các nồng độ khác nhau và được thu tại các thời gian nuôi cấy khác nhau. Tiếp theo protein được tinh sạch và phân tích mức độ biểu hiện bằng phương pháp weatern blot. Kết quả thí nghiệm cho thấy vemurafenib ảnh hưởng đến mức độ biểu hiện protein của các phân tử trong các con đường MAPK và PI3K/AKT.
+ Thành công trong việc phân tích và so sánh biểu hiện protein của một số phân tử trong các dòng tế bào melanoma kháng và không kháng vemurafenib: Protein tổng số của các dòng tế bào được sử dụng để phân tích và đánh giá sự ảnh hưởng của vemurafenib lên mức độ biểu hiện protein của các phân tử đóng vai trò quan trọng trong các con đường tín hiệu chính ảnh hưởng đến sự phát sinh và tiến triển của tế bào ung thư là MAPK và PI3K/AKT. Sự phơi nhiễm với vemurafenib thời gian dài (tạo dòng kháng) làm thay đổi biểu hiện của các phân tử tuy nhiên với những cách khác nhau. Các dòng tế bào kháng vemurafenib A375P-R và A375M-R có sự biểu hiện giảm mạnh của pMEK, pERK và pAKT. Đối vớ kháng vemurafenib SKMEL28-R, mặc dù biểu hiện của pMEK và pERK giảm mạnh, tuy nhiên biểu hiện của pAKT lại tăng mạnh. Điều này cho thấy các dòng tế bào ung thư melanoma khác nhau có cơ chế phân tử đáp ứng kháng vemurafenib khác nhau. Quan trọng hơn các nhà khoa học đã tìm ra một marker mới cho ung thư da dạng melanoma là phân tử BBAP.
+ Đánh giá ảnh hưởng của phytochemical (paclitaxel) lên sự tăng sinh, chu trình tế bào, chết theo chương trình, khả năng xâm lẫn, khả năng hình khối u in-vitro của tế bào SKMEL-28 kháng vemurafenib: Kết quả nghiên cứu cho thấy paclitaxel làm giảm khả năng di căn xâm lấn, khả năng hình thành khối u in-vitro, làm giảm năng lực tăng sinh tế bào và làm tăng quá trình chết theo chương trình của tế bào SKMEL-28 kháng vemurafenib. Đây là một kết quả quan trọng gợi ý cho việc sử dụng kết hợp đồng thời vemurafenib và paclitaxel (trong trong số các phytochemical đang sử dụng trong điềi trị nhiều loại ung thư) sẽ làm tăng khả năng điều trị ung thư melanoma kháng vemurafenib. + Thành công tạo dòng tế bào melanoma G361 mang gen BBAP tái tổ hợp: Trong quá trình nghiên cứu cơ chế phân tử ung thư melanoma kháng vemurafenib, nhóm nghiên cứu thấy có mối liên hệ giữa mức độ biểu hiện của phân tử BBAP và sự tiến triển của melanoma. Các kết quả thu được trong nghiên cứu này này chỉ ra rằng BBAP nên được xem xét như là một chỉ dấu trong ung thư da dạng melanoma và có thể được sử dụng như là một đích tác dụng của thuốc trong điều trị loại ung thư này.
+ Thành công khảo sát và đánh giá khả năng của ricin (một phytochemical được tách chiết từ hạt thầu dầu) trong việc ức chế các đặc tính hình thàng khối u của tế bào ung thư melanoma SKMEL-28: Đã tiến hành tách chiết, tinh sạch ricin từ hạt cây thầu dầu thu được ở Việt Nam. Sau đó tiến hành thí nghiệm đánh giá vai trò của ricin trong việc ức chế các đặc tính ung thư của tế bào melanoma SKMEL-28. Kết quả cho thấy ricin mặc dù là một chất có tính độc cao trong tự nhiên, tuy nhiên nếu được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thì nó cũng là một hoạt chất có tiềm năng rất lớn trong điều trị ung thư da dạng melanoma.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã có những đóng góp tích cực về mặt khoa học với các công bố có ý nghĩa khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế cũng như trong nước. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã góp phần đào tạo Thạc sĩ và cử nhân ngành công nghệ sinh học chất lượng tốt cho đất nước.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13598/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)