Nghiên cứu cho thấy giới hạn thời gian ăn uống có thể làm giảm chứng tăng huyết áp liên quan đến bệnh tiểu đường
Cập nhật vào: Thứ tư - 07/07/2021 05:38 Cỡ chữ
Một nghiên cứu mới của Đại học Kentucky College of Medicine cho thấy rằng giới hạn thời gian ăn uống (nhịn ăn gián đoạn) có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 giảm các chứng huyết áp tăng vào ban đêm, còn được gọi là tăng huyết áp về đêm.
Nguồn: CC0 Public Domain
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS ngày 22 tháng 6 cho thấy việc ăn uống có giới hạn thời gian, một hình thức trong đó việc ăn uống bị hạn chế trong một khoảng thời gian cụ thể trong ngày, đã giúp ngăn ngừa và cải thiện chứng tăng huyết áp liên quan đến bệnh tiểu đường ở chuột.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư, tiến sỹ Ming Gong, Khoa sinh lý; và giáo sư, tiến sĩ Zhenheng Guo, Khoa dược và khoa học dinh dưỡng, hy vọng rằng phát hiện của họ - có nghĩa là nhịn ăn gián đoạn - có thể mang lại lợi ích tương tự cho con người.
Guo cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng về những phát hiện này và những tác động mà chúng có thể có trong các nghiên cứu lâm sàng trong tương lai. Ngoài những thay đổi trong lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục, việc nhịn ăn gián đoạn có thể có tác động lành mạnh đối với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1”.
Thông thường, huyết áp giảm vào ban đêm và tăng khi thức dậy, phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể. Ở một số bệnh nhân tăng huyết áp, mức giảm huyết áp điển hình về ban đêm không xảy ra. Huyết áp “không hạ” này phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và có liên quan đến việc gia tăng các biến cố của bệnh tim mạch.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc áp dụng ăn uống có giới hạn đã ngăn chặn những con chuột mắc bệnh tiểu đường phát triển huyết áp không hạ. Phương pháp này cũng khôi phục hiệu quả nhịp sinh học huyết áp bị gián đoạn ở những con chuột đã có huyết áp không hạ.
Các nhà nghiên cứu đã giới hạn khả năng tiếp cận thức ăn của những con chuột trong 8 giờ trong thời gian thức hoạt động điển hình của chúng mỗi ngày. Khi lượng thức ăn sẵn có được tăng lên đến 12 giờ, phương pháp này vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị huyết áp không hạ. Guo nói rằng đây là bằng chứng cho thấy những ảnh hưởng do thời gian cho ăn chứ không phải do hạn chế calo.
Ngoài ý nghĩa của nghiên cứu đối với nghiên cứu lâm sàng ở người trong tương lai, Gong nói rằng nó bổ sung thêm cho các nhà khoa học hiểu biết về nguyên nhân và cơ chế của huyết áp không hạ trong bệnh tiểu đường, điều mà hiện nay vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ.
“Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích sức khỏe của việc nhịn ăn gián đoạn, đặc biệt là đối với các vấn đề trao đổi chất. Đây là nghiên cứu khoa học cơ bản đầu tiên tập trung vào cách nó ảnh hưởng đến huyết áp không hạ liên quan đến bệnh tiểu đường và nó tiết lộ rằng thời gian ăn hàng ngày có thể đóng một vai trò quan trọng”, Gong cho biết.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2021-07-time-restricted-diabetes-related-hypertension.html 2/7/2021, 2/7/2021