Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ trưa quá dài có thể là một dấu hiệu của chứng mất trí nhớ
Cập nhật vào: Thứ năm - 24/03/2022 12:03 Cỡ chữ
Những người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer trong nghiên cứu này đã tăng gần gấp ba lần thời gian ngủ trưa của họ, đạt 68 phút mỗi ngày. Ngủ trưa quá nhiều có thể là một trong nhiều manh mối cho thấy một người có thể đang trên con đường suy giảm nhận thức.
Có những thói quen tưởng chừng không nguy hiểm nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo không nên bỏ qua. Theo một nghiên cứu, những giấc ngủ ngắn/ngủ trưa thường xuyên hoặc kéo dài trong nhiều giờ trong ngày có thể là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm ở người lớn tuổi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người lớn tuổi ngủ trưa ít nhất một lần mỗi ngày - hoặc hơn một giờ mỗi ngày - có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 40%. Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Alzheimer và Dementia: The Journal of the Alzheimer Association.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng mối liên hệ giữa ngủ trưa quá nhiều vào ban ngày và chứng sa sút trí tuệ vẫn tồn tại sau khi điều chỉnh về số lượng và chất lượng giấc ngủ vào ban đêm”, đồng tác giả, Tiến sĩ Yue Leng, trợ lý giáo sư tâm thần học tại Đại học California, San Francisco, cho biết. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 1.400 người trong độ tuổi từ 74 đến 88. Trong vài năm, những người tham gia được trang bị máy theo dõi để phân tích chuyển động của họ. Không cử động trong một khoảng thời gian dài từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối được hiểu là một giấc ngủ ngắn. Trong khoảng thời gian không hoạt động này, có thể mọi người đọc hoặc xem truyền hình, "chúng tôi đã phát triển một thuật toán độc đáo để xác định giấc ngủ ngắn và phân biệt giấc ngủ ngắn với không hoạt động", tác giả nghiên cứu cho biết.
Tiến sĩ Richard Isaacson, Giám đốc Phòng khám phòng chống bệnh Alzheimer, người không tham gia nghiên cứu cho biết: “Tôi nghĩ rằng công chúng không biết rằng bệnh Alzheimer là một bệnh não thường gây ra những thay đổi về tâm trạng và giấc ngủ. Ngủ trưa quá nhiều có thể là một trong nhiều manh mối cho thấy một người có thể đang trên con đường suy giảm nhận thức và điều này thêm bằng chứng góp phần vào đánh giá trực tiếp của bác sĩ điều trị".
Chất lượng và số lượng giấc ngủ suy giảm theo tuổi tác, thường là do cơn đau hoặc biến chứng từ các bệnh mãn tính. Theo các tác giả của nghiên cứu này, giấc ngủ ngắn vào ban ngày có thể phản ánh những thay đổi của não bộ. Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giấc ngủ trưa tăng trung bình 11 phút mỗi năm đối với những người trưởng thành không bị suy giảm nhận thức. Tuy nhiên, chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ đã tăng gấp đôi thời gian ngủ trưa lên tổng cộng 24 phút mỗi ngày. Những người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer tăng gần gấp ba lần thời gian ngủ trưa của họ, lên trung bình 68 phút mỗi ngày.
P.A.T (NASATI), theo https://www.santemagazine.fr/actualites/actualites-sante/selon-une-etude-de-trop-longues-siestes-pourraient-etre-le-signe-dune-demence-915738, 23/3/2022