NGHIÊN CỨU CHO THẤY BỆNH NHÂN COVID-19 LÂY LAN VIRUS HAI ĐẾN BA NGÀY TRƯỚC KHI XUẤT HIỆN TRIỆU CHỨNG
Cập nhật vào: Thứ tư - 22/04/2020 21:18 Cỡ chữ
Một nghiên cứu mô hình bệnh Covid-19 cho thấy, các biện pháp kiểm soát bệnh nếu thực hiện sau khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng có thể làm giảm tác dụng và hiệu quả trong việc kiềm chế đại dịch. Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Nature Medicine, lưu ý rằng một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp kiểm soát ngăn chặn sự lây lan của coronavirus chủng mới, vi rút SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu Trường Đại học Hồng Kông cho biết, những yếu tố này bao gồm khoảng thời gian giữa các trường hợp nối tiếp trong chuỗi lây nhiễm và thời gian ủ bệnh, khoảng thời gian từ khi bị lây nhiễm virus cho tới khi khởi phát các triệu chứng bệnh, và xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Nếu khoảng thời gian nối tiếp ngắn hơn thời gian ủ bệnh, điều này sẽ cho thấy rằng sự lây nhiễm bệnh có thể đã xảy ra trước khi các triệu chứng bộc lộ rõ ràng, họ nói.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã đánh giá các mô hình thời gian phát tán virus ở 94 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Quảng Châu số 8 ở Trung Quốc. Họ đã phân tích các mẫu bệnh phẩm họng được thu thập từ những bệnh nhân này từ khi các triệu chứng xuất hiện lần đầu tiên cho đến 32 ngày sau đó.
Theo nghiên cứu, 414 que lấy mẫu đã được phân tích và các nhà khoa học phát hiện ra rằng các bệnh nhân có tải lượng virus cao nhất là khi bắt đầu có triệu chứng.
Họ cũng đã lập mô hình các hồ sơ lây nhiễm COVID-19 từ mẫu nghiên cứu 77 cặp truyền nhiễm khác nhau. Mỗi cặp truyền nhiễm trong số này bao gồm hai bệnh nhân mắc COVID-19 lịch sử dịch tễ rõ ràng, với một bệnh nhân có khả năng bị nhiễm cao, các nhà khoa học giải thích.
Từ mô hình này, các nhà nghiên cứu đã suy luận được rằng, sự lây nhiễm bắt đầu 2,3 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và đạt đỉnh điểm là 0,7 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Theo ước tính nhóm nghiên cứu, có khoảng 44% trường hợp nhiễm Covid-19 thứ phát là do bị nhiễm bệnh từ những người ở giai đoạn tiền triệu chứng (không có triệu chứng bệnh).
Hạn chế của nghiên cứu là bị phụ thuộc vào việc bệnh nhân nhớ lại sự xuất hiện các triệu chứng bệnh đầu tiên và họ có thể đã đưa ra thông tin sai lệch do có sự chậm trễ trong việc nhận ra các triệu chứng đầu tiên, các nhà khoa học nói.
P.T.T (NASATI), theo https://economictimes.indiatimes.com/news/science/covid-19-patients-spread-virus-two-to-three-days-before-symptoms-appear-study/articleshow/75160448.cms?fbclid=IwAR2ZO2LmjevxwU-jh93EkNuYkcWdWit5KF4k-x-hgSxGjG-S7Upjrd1z91k, 15/4/2020