“Miếng bọt biển” mang lại hy vọng giúp hóa trị liệu 'ít độc hại hơn'
Cập nhật vào: Thứ tư - 16/01/2019 16:20 Cỡ chữ
Hóa trị liệu là phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng trong điều trị hầu hết các loại ung thư, đặc biệt những ung thư ở giai đoạn lan rộng và giai đoạn di căn. Hóa trị liệu gồm những thứ thuốc rất mạnh được thiết kế để tiêu diệt, phá vỡ những tế bào ung thư phát triển nhanh. Do các thuốc này được đưa đi khắp cơ thể nên nó cũng gây ảnh hưởng nhất định lên các tế bào lành của cơ thể, gây ra các tác động bất lợi hay còn gọi là tác dụng phụ bao gồm: giảm các dòng tế bào máu ngoại biên, buồn nôn và nôn ói, suy nhược và mệt mỏi, rụng tóc, viêm niêm mạc miệng, độc tính thần kinh ngoại biên và độc tính trên tim.
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư giúp cứu sống bệnh nhân nhưng nó cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng
Mới đây, các nhà khoa học Trường Đại học California tin rằng họ có thể đã tìm ra được cách thức có thể giúp cho hóa trị liệu sẽ ít gây độc cho cơ thể bệnh nhân hơn.
Họ thử nghiệm một miếng bọt biển nhỏ. Miếng bọt biện này được đặt nằm bên trong tĩnh mạch nhằm loại bỏ các chất hóa học dư thừa ra khỏi máu ngay khi thuốc “tấn công” khối u mục tiêu.
Các chuyên gia cho biết nghiên cứu này sẽ mang đến hy vọng tránh các tác dụng phụ của hóa trị liệu như rụng tóc và buồn nôn. Cho đến nay, nó đã được thử nghiệm trên lợn, tuy nhiên các nhà nghiên cứu muốn thử nghiệm ở người.
“Nếu mọi việc suôn sẻ, những thử nghiệm đó có thể xảy ra trong vòng một vài năm”, Tiến sĩ Nitash Balsara, Trường Đại học California cho biết.
Công trình nghiên cứu này do Viện Y tế Quốc gia và Viện Ung thư Quốc gia tài trợ đã được đăng trên tạp chí ACS Central Science mới đây.
Nó hoạt động như thế nào?
Thiết bị co hình ống được in 3D - vì vậy nó có thể được thiết kế riêng để phù hợp với từng bệnh nhân.
Các bác sĩ hy vọng “miếng bọt biển” này có thể ngăn chặn các loại thuốc hóa trị gây ngộ độc các cơ quan khác trong cơ thể
Phần trung tâm của miếng bọt biển này được phủ một lớp phủ đặc biệt giúp hấp thụ thuốc, nhưng cho phép máu chảy qua thiết bị mà không bị cản trở.
Các thử nghiệm ở lợn cho thấy nó đã hút giữ được một loại thuốc hóa học có tên là doxorubicin, loại bỏ khoảng 64% các loại thuốc ra khỏi mạch máu.
Theo các nhà nghiên cứu điều này có nghĩa là cần phải không gây rò rỉ bất kỳ loại thuốc nào khi thiết bị được lấy ra khỏi cơ thể.
Thiết bị sẽ được chèn trong quá trình hóa trị và sau đó loại bỏ sau khi phiên điều trị kết thúc. Mỗi phiên hóa trị sẽ cần đưa vào một thiết bị mới.
“Kết quả thử nghiệm ban đầu rất hứa hẹn. Chúng tôi sẽ thử nghiệm hiệu quả của thiết bị với các loại thuốc hóa trị khác khi thiết kế được lớp phủ phù hợp tốt hơn. Tuy nhiên chúng tôi cảm thấy rằng việc loại bỏ 50% lượng thuốc sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị của bệnh nhân”, tiến sĩ Balsara nói.
Ngoài ra, giáo sư Steve Rannard, Viện nghiên cứu Ung thư (Vương quốc Anh) cũng cho biết: “Nghiên cứu này mới và rất thú vị để giảm tác dụng phụ của hóa trị. Hóa trị là một phương pháp điều trị nền tảng cho bệnh ung thư giúp cứu sống họ, nhưng có thể có tác động không mong muốn gây tổn hại đến mô lành có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nghiên cứu này cho thấy phương pháp này có thể trích xuất các phân tử thuốc từ máu và loại bỏ lượng thuốc dư thừa chưa được chuyển đến vùng ung thư ở động vật. Đây có thể là một cách tiếp cận hiệu quả để giải quyết thách thức này”.
“Bây giờ chúng tôi cần có được bằng chứng lớn hơn để đảm bảo kỹ thuật này an toàn trước khi chúng tôi có thể xem liệu đây có phải là một phương pháp hiệu quả ở bệnh nhân ung thư hay không”, ông nhấn mạnh.
P.T.T (NASATI), theo https://www.bbc.com/news/health-46782190, 10/01/2019