Kiểm tra thính giác có thể phát hiện chứng tự kỷ ở trẻ sơ sinh
Cập nhật vào: Thứ ba - 17/11/2020 10:16 Cỡ chữ
Trong nhiều năm qua, đã có một số nghiên cứu về thính giác và hệ thống giác quan của người lớn và trẻ em mắc chứng tự kỷ so với trẻ em hoặc người lớn không mắc. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Miami và Đại học Y Harvard, đã khám phá ra những phản ứng đối với bài kiểm tra thính giác tiêu chuẩn được thực hiện cho hàng triệu trẻ sơ sinh trên khắp thế giới, và họ đang nghiên cứu cách để phát hiện dấu hiệu sớm của chứng tự kỷ; từ khi mới sinh.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Autism Research, với phát hiện có thể cung cấp thêm thông tin cho những nghiên cứu bổ sung và mở đường cho các đánh giá để xác định tốt hơn ở trẻ sơ sinh có nguy cơ tự kỷ cao bằng cách sử dụng bài kiểm tra thính giác tiêu chuẩn. Các nhà khoa học lưu ý rằng những xét nghiệm như vậy được sử dụng thường xuyên và rộng rãi để sàng lọc cho trẻ sơ sinh về tình trạng khiếm thính. Bài kiểm tra hoạt động bằng cách đo điện thính giác thân não (ABR), đánh giá mức độ phản ứng của tai trong và não bộ của em bé với âm thanh.
Đồng tác giả nghiên cứu- Phó giáo sư Elizabeth Simpson, cho biết: “Chúng tôi cần thêm thời gian để thông báo với các bác sĩ lâm sàng về việc sử dụng xét nghiệm ABR như một yếu tố xác định chứng tự kỷ ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu tập trung vào việc tìm hiểu sự phát triển nhận thức xã hội của trẻ sơ sinh và hứa hẹn mang đến cách thức xét nghiệm ABR có thể được sử dụng như một phương pháp để phát hiện chính xác chứng tự kỷ khi mới sinh”.
Tác giả chính của nghiên cứu, Oren Miron, đến từ Trường Y Harvard, cho biết: “Tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm chứng tự kỷ trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ em, khi các biện pháp can thiệp có thể có tác động mạnh nhất. Bất kỳ công cụ bổ sung nào có thể làm rõ manh mối chẩn đoán sẽ là vô giá về mặt đó”.
Đối với nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích bộ dữ liệu lớn về trẻ sơ sinh ở Florida được kiểm tra khiếm thính bằng những bài kiểm tra ABR. Thường được tiến hành tại khoa sản của bệnh viện, xét nghiệm được thực hiện bản ghi trên máy tính về hoạt động thần kinh thính giác của trẻ sơ sinh khi tiếp xúc với âm thanh truyền qua các điện cực đặt trên da đầu. Âm thanh thử nghiệm rất nhẹ và có thể được thực hiện khi trẻ ngủ. Nhóm nghiên cứu đã phân tích gần 140.000 bản ghi âm thính giác của trẻ sinh ra ở Florida và đối sánh dữ liệu với các bản ghi từ Bộ Giáo dục Florida cho thấy trẻ bị khuyết tật phát triển. Cuối cùng, họ phát hiện ra rằng những đứa trẻ sơ sinh sau đó được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ có phản ứng não bộ với âm thanh chậm hơn trong các bài kiểm tra ABR.
Simpson cho biết: “Trong tập dữ liệu chúng tôi sử dụng từ hồ sơ của Bộ Giáo dục về trẻ em mắc chứng tự kỷ, chúng tôi đã xem có bao nhiêu trẻ có thể so khớp được từ các bài kiểm tra ABR. Và xác định được 321 trẻ em đã được khám sàng lọc ABR khi chúng còn là trẻ sơ sinh và sau đó được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ở độ tuổi mẫu giáo”.
Với điều tra bổ sung, nhóm nghiên cứu cứu hy vọng sẽ thêm các lớp bổ sung vào sàng lọc ABR để bác sĩ có thể sử dụng chúng không chỉ để hiểu rõ hơn về thính giác của trẻ sơ sinh và nguy cơ mắc bệnh tự kỷ, mà còn một số vấn đề phát triển tiềm ẩn khác như khả năng nói, khiếm khuyết ngôn ngữ và Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Điều đó có thể phát sinh sau này.
Simpson nói thêm: “Chúng tôi biết rối loạn phổ tự kỷ có liên quan đến cách trẻ xử lý âm thanh, vì vậy ngay cả khi thính giác của trẻ bình thường, nó vẫn có thể được xử lý theo cách khác. Với sự hiểu biết tốt hơn về cách xét nghiệm ABR có thể được sử dụng để xác định những trẻ có nguy cơ”.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2020-11-autism-newborns.html, 12/11/2020