KHYD Liệu pháp và vắc-xin ung thư mới sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen để biến khối u thành tác nhân kép tiêu diệt khối u
Cập nhật vào: Thứ ba - 17/01/2023 00:05 Cỡ chữ
Các nhà khoa học tại Bệnh viện Brigham and Women’s (BWH) đã tìm ra cách chống ung thư bằng chính ung thư. Nhóm nghiên cứu vừa biến đổi gen tế bào ung thư để giải phóng các chất chống ung thư tại vị trí khối u đã hình thành, vừa kích thích hệ thống miễn dịch chống lại căn bệnh này. Các thử nghiệm trên chuột tỏ ra đầy hứa hẹn như một liệu pháp điều trị và vắc-xin phòng ngừa bệnh.
Phương pháp điều trị mới biếntế bào ung thư thành tác nhân kép tiêu diệt khối u hiện có
Vắc-xin ung thư là một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi, trong đó các bệnh nhân thường được tiêm các tế bào khối u bất hoạt hoặc các protein biểu hiện ở mức độ cao bởi các tế bào ung thư. Điều này giúp đào tạo hệ thống miễn dịch nhận ra các khối u hiện có và tấn công chúng, đồng thời có thể ngăn chặn sự lây lan hoặc xuất hiện các khối u mới.
Đối với nghiên cứu mới này, nhóm BWH đã thực hiện một phương pháp tiếp cận mới, thay vào đó, họ sử dụng các tế bào khối u sống. Mặc dù nghe có vẻ là một ý tưởng tồi khi nó khiến bệnh nhân ung thư mắc thêm bệnh ung thư, nhưng những tế bào này đã được thiết kế bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR để trở thành tác nhân kép. Các tế bào ung thư có thể di chuyển một quãng đường dài để quay trở lại vị trí của các khối u đã hình thành và khi ở đó, các tế bào được thiết kế này sẽ giải phóng một lượng chất chống ung thư và các yếu tố cảnh báo hệ thống miễn dịch để loại bỏ chúng.
Khalid Shah, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Nhóm của chúng tôi đã theo đuổi một ý tưởng đơn giản đó là: lấy tế bào ung thư và biến chúng thành thuốc diệt ung thư và vắc-xin. Sử dụng kỹ thuật gen, chúng tôi đang tái sử dụng các tế bào ung thư để phát triển một liệu pháp tiêu diệt các tế bào khối u và kích thích hệ thống miễn dịch tiêu diệt các khối u nguyên phát và ngăn ngừa ung thư”.
Các tế bào khối u trị liệu (ThTC) này đã được thử nghiệm trên chuột mắc u nguyên bào thần kinh đệm tiến triển và được phát hiện là có khả thể loại bỏ được khối u ở nhiều loài động vật, làm tăng đáng kể tỷ lệ sống sót và cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài chống lại ung thư tái phát và di căn. Kỹ thuật này cũng có vẻ an toàn nhờ một “công tắc” tiêu diệt có thể kích hoạt được khi cần để loại bỏ ThTC.
Dù kết quả có hứa hẹn đến đâu, những cảnh báo thông thường vẫn được áp dụng - đặc biệt là các nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng áp dụng cho con người. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch tiếp tục điều tra ThTC, bao gồm cả cách chúng có thể sử dụng ở người và chúng có thể hoạt động tốt như thế nào đối với các loại ung thư khác.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.
P.T.T (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/cancer-therapy-vaccine-crispr-genetic-engineering/. 4/1/2023