Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong cơ thể
Cập nhật vào: Thứ ba - 05/11/2024 12:11 Cỡ chữ
Nghiên cứu của Tây Ban Nha, được công bố trên Tạp chí Journal of Epidemiology & Community Health, cho thấy khoảng 40% các trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỉ lệ 10% ung thư vú do thừa cân được đánh giá bằng công cụ đo chỉ số khối cơ thể BMI. Điều này cho thấy tác động thực sự của tình trạng béo phì đối với nguy cơ ung thư vú có thể đã BMI bị đánh giá thấp. Công cụ BMI không phải là công cụ có thể đo chính xác về lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là khi dùng nó để đo cho phụ nữ lớn tuổi bởi nó không tính đến tuổi tác, giới tính hoặc dân tộc.
Chính vì vậy, họ đã so sánh BMI với CUN-BAE (Clínica Universidad de Navarra–Body Adiposity Estimator), một công cụ đo lượng mỡ trong cơ thể đã được công nhận, có tính đến tuổi tác và giới tính cho 1.033 phụ nữ da trắng sau mãn kinh mắc ung thư vú và 1.143 người không bị bệnh, có sự tương thích độ tuổi, giới tính và khu vực địa lý.
Tất cả những người này đều tham gia vào nghiên cứu multicase-control (MCC) của Tây Ban Nha, một nghiên cứu nhằm đến mục đích đánh giá các yếu tố môi trường và di truyền liên quan đến ung thư ruột, vú, dạ dày và tuyến tiền liệt cũng như bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính ở những người từ 20 đến 85 tuổi. Tất cả số này đều được hỏi về các yếu tố nguy cơ có khả năng ảnh hưởng: đặc điểm nhân khẩu học; lối sống; và tiền sử bệnh tật và sinh sản của cá nhân/gia đình. Thông tin về chế độ ăn uống được thu thập thông qua Bản câu hỏi về tần suất tiêu thụ thực phẩm bán cấu trúc gồm 140 mục đã được xác thực và một bản câu hỏi tự trả lời được dùng để thu thập thông tin về lượng rượu thường uống trong độ tuổi từ 30 đến 40.
CUN-BAE phân loại mỡ cơ thể thành: dưới 35%; 35–39,9%; 40–44,9%; và 45% trở lên. BMI phân loại cân nặng thành: dưới 25 kg/m2; 25–29,9; 30–34,9; và 35 trở lên. BMI trung bình chỉ hơn 26 một chút ở nhóm so sánh và chỉ hơn 27 một chút ở những phụ nữ bị ung thư vú; CUN-BAE trung bình lần lượt dưới 40% và gần 40,5%.
BMI dưới 25% được quan sát thấy ở 45% phụ nữ trong nhóm so sánh và ở 37% những người bị ung thư vú. BMI từ 30 trở lên, biểu thị tình trạng béo phì, được quan sát thấy ở 20% và chỉ hơn 24%. CUN-BAE dưới 35% được quan sát thấy ở 20,5% phụ nữ trong nhóm so sánh và ở 16% những người bị ung thư vú. CUN-BAE từ 40% trở lên được quan sát thấy ở hơn 46% phụ nữ trong nhóm so sánh và ở 53% những người bị ung thư vú. CUN-BAE từ 45% trở lên có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú sau mãn kinh tăng gấp đôi so với CUN-BAE dưới 35%.
Không có xu hướng tương tự nào được quan sát thấy đối với BMI. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 23% các trường hợp ung thư vú là do mỡ cơ thể dư thừa khi dùng BMI để đánh giá, trong khi đó, kết quả từ CUN-BAE là 38%.
Tuy nhiên, những khác biệt này chỉ rõ ràng đối với các trường hợp ung thư dương tính với hormone (680 trường hợp), trong đó tỷ lệ ung thư ước tính do mỡ cơ thể dư thừa là 20% bằng công cụ BMI và 42% bằng công cụ CUN-BAE.
Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù không thể xác định được các yếu tố nhân quả từ những phát hiện của nghiên cứu bệnh chứng này bởi công thức CUN-BAE được tính toán từ một mẫu những người ít vận động; và số lượng ung thư vú không dương tính với hormone là nhỏ. Tuy nhiên, họ kết luận, "kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng lượng mỡ thừa trong cơ thể là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với ung thư vú dương tính với thụ thể hormone ở phụ nữ sau mãn kinh.
“Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng tác động của dân số có thể bị đánh giá thấp khi sử dụng các ước tính BMI truyền thống và các biện pháp đo chính xác hơn về lượng mỡ trong cơ thể, chẳng hạn như CUN-BAE, cần được xem xét khi ước tính mức độ ung thư do béo phì ở các trường hợp ung thư vú sau mãn kinh. Điều này rất quan trọng để lập kế hoạch cho các sáng kiến phòng ngừa hiệu quả”, họ nói.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news//, 10/2024