Kháng thể từ mẹ có thể cản trở phản ứng của trẻ sơ sinh với vắc-xin sốt rét
Cập nhật vào: Thứ hai - 16/12/2024 12:09
Cỡ chữ
Nghiên cứu do Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) phối hợp với bảy trung tâm châu Phi thực hiện đã chỉ ra rằng kháng thể từ mẹ truyền qua nhau thai có thể cản trở hiệu quả của vắc-xin sốt rét ở trẻ sơ sinh dưới năm tháng tuổi. Kết quả này, được công bố trên The Lancet Infectious Diseases, cho thấy trẻ nhỏ hơn có thể hưởng lợi từ các vắc-xin RTS,S và R21 trong các khu vực có tỷ lệ lây truyền sốt rét thấp, nơi mà mẹ có ít kháng thể chống lại ký sinh trùng sốt rét.
Việc triển khai hai loại vắc-xin sốt rét đầu tiên-RTS,S/AS01E và R21/Matrix-M-để bảo vệ trẻ em châu Phi khỏi căn bệnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây ra là một cột mốc quan trọng. Cả hai loại vắc-xin này đều nhắm đến một phần của protein ký sinh trùng gọi là circumsporozoite (CSP) và hiện đang được khuyến nghị cho trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên khi nhận liều đầu tiên.
Trưởng nhóm nghiên cứu Carlota Dobaño cho biết: "Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng vắc xin RTS,S/AS01E kém hiệu quả hơn ở trẻ sơ sinh dưới năm tháng tuổi, nhưng lý do của sự khác biệt này vẫn đang được tranh luận”.
Để tìm hiểu lý do, nhóm nghiên cứu đã phân tích mẫu máu từ hơn 600 trẻ em (tuổi từ 5-17 tháng) và trẻ sơ sinh (tuổi từ 6-12 tuần) tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của RTS,S/AS01E. Họ đo lường các kháng thể chống lại 1.000 kháng nguyên của P. falciparum để xác định mức độ phơi nhiễm với sốt rét và phản ứng miễn dịch của trẻ.
Phân tích kháng thể đối với P. falciparum ở trẻ nhận vắc-xin đối chứng thay vì RTS,S/AS01E cho thấy trẻ có mức kháng thể cao trong ba tháng đầu đời nhờ sự chuyển giao kháng thể từ mẹ qua nhau thai. Tuy nhiên, đối với trẻ đã tiêm vắc-xin RTS,S/AS01E, kháng thể tự nhiên không ảnh hưởng đến phản ứng của vắc-xin. Nhưng ở trẻ sơ sinh, mức độ kháng thể cao từ mẹ, đặc biệt là kháng thể chống lại CSP, đã làm giảm phản ứng của vắc-xin. Ngược lại, trẻ sơ sinh có mức kháng thể từ mẹ thấp hoặc không đáng kể có phản ứng tương tự như trẻ lớn hơn. Mặc dù cơ chế phân tử của sự can thiệp này chưa được hiểu rõ hoàn toàn, hiện tượng tương tự đã được quan sát ở các vắc-xin khác như vắc-xin sởi.
Kết quả này cho thấy, mặc dù kháng thể từ mẹ có chức năng bảo vệ, nhưng chúng có thể cản trở hiệu quả của vắc-xin. Ở những khu vực có tỷ lệ lây truyền sốt rét cao, nhiều kháng thể từ mẹ được truyền sang trẻ, dẫn đến hiệu quả vắc-xin thấp hơn.
Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng việc xem xét thời gian và mức độ kháng thể của mẹ có thể giúp cải thiện hiệu quả vắc-xin cho những trẻ nhỏ nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2024