Điều trị bằng kháng thể trước phẫu thuật ghép tạng có thể ngăn ngừa tình trạng đào thải tim cấy ghép
Cập nhật vào: Thứ hai - 16/09/2024 00:11 Cỡ chữ
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi Cincinnati cho thấy một cách mới có thể bảo vệ tim ghép khỏi tình trạng đào thải đó là áp dụng phương pháp điều trị chống viêm bằng kháng thể trước phẫu thuật cấy ghép cho tạng hiến tặng và cho người nhận tạng. Những phát hiện này đã được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Nhóm nghiên cứu, bao gồm Irene Saha, tiến sĩ, nghiên cứu viên tại Phòng thí nghiệm Pasare và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, đã tập trung vào xem xét cách các tế bào dạng sợi của tạng hiến tặng kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể người nhận tạng.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy các tế bào T CD4 ở người nhận tạng đã kích hoạt các tế bào dạng sợi của người hiến tạng thông qua các tín hiệu do protein CD40L và TNFα truyền đi. Khi con đường truyền tín hiệu này bị chặn lại bằng các kỹ thuật chỉnh sửa gen, kết quả cho thấy tình trạng viêm giảm và thời gian sống của tim được cấy ghép kéo dài hơn.
Trong nghiên cứu, những con chuột không được điều trị đã bị đào thải tim hiến tặng trong vòng một tuần. Nhưng ở những con chuột được chỉnh sửa gen để làm thiếu hụt các thụ thể cho CD40L và TNFα, chức năng tim hoạt động mạnh mẽ và vẫn tồn tại cho đến ngày thứ 66, đến khi thí nghiệm kết thúc.
Chandrashekhar Pasare, tiến sĩ thú y, giám đốc khoa miễn dịch học tại Bệnh viện Nhi Cincinnati cho biết, các phác đồ chống đào thải hiện đang được sử dụng là các tác nhân ức chế miễn dịch rộng khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Bằng cách sử dụng các kháng thể cụ thể, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể ngăn chặn tình trạng viêm dẫn đến đào thải tạng nhưng vẫn giữ nguyên khả năng miễn dịch chống vi khuẩn. Pasare nói: "Chúng tôi đã nghiên cứu về vấn đề này trong gần một thập kỷ. Lý do chính khiến chúng tôi tìm được ra con đường này là vì chúng tôi đã tập trung vào việc tìm hiểu cách các tế bào T nhớ ở người nhận tạng có khả năng phản ứng với các kháng nguyên đặc hiệu của người hiến tạng gây ra tình trạng viêm bẩm sinh”. "Phần còn lại của nghiên cứu tập trung vào các khái niệm khác như hiện tượng tổn thương do thiếu máu cục bộ, các phối tử của tế bào chết và các thụ thể miễn dịch bẩm sinh. Kết quả cho thấy không có khái niệm nào trong số đó thực sự dẫn đến tình trạng đào thải tạng cấy ghép”.
Chìa khóa để ngăn ngừa tình trạng đào thải tạng là loại bỏ khả năng khởi phát tình trạng viêm của các tế bào T của người nhận tạng khi chúng nhận ra các kháng nguyên của người hiến tạng trong các tế bào dạng sợi. Trong khi tế bào T rất quan trọng để chống lại nhiễm trùng, thì tình trạng viêm bẩm sinh do tế bào T khởi phát lại có hại cho sự sống còn của các cơ quan được cấy ghép.
Các tác giả nghiên cứu tin rằng quy trình mà họ sử dụng để bảo vệ tim khỏi tình trạng đào thải cũng có thể áp dụng cho các hình thức ghép tạng khác. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa gen được thực hiện trên chuột sẽ không được coi là an toàn đối với con người. Vì vậy, hiện tại nhóm nghiên cứu đang đánh giá các cách khác để phá vỡ phản ứng viêm. Đây sẽ là một lĩnh vực rất thú vị để phát triển thuốc trong tương lai.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/, 9/2024