Dấu ấn sinh học mới trong phát triển sớm biến chứng thận do đái tháo đường
Cập nhật vào: Thứ hai - 19/08/2024 11:05 Cỡ chữ
Bệnh thận đái tháo đường thường đặc trưng bởi albumin niệu xuất hiện dai dẳng và độ lọc cầu thận (GFR - Glomerular filtration rate) giảm dần. Tuy nhiên, vào thời điểm albumin niệuxuất hiện thì khoảng 30% bệnh nhân có bệnh lý cầu thận đã ở giai đoạn tiến triển đáng kể.2,3Mặt khác, một số bệnh nhân có albumin niệuthoái lui về bình thường trong khi độ lọc cầu thận (GFR) vẫn tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, có đến khoảng 20 - 40% bệnh nhân mắc bệnh thận đái tháo đường không theo mô hình cổ điển, họ không có albumin niệu và không biến chứng võng mạc, cho thấy protein niệu không phải lúc nào cũng xuất hiện trước khi mất chức năng thận ở bệnh nhân tiểu đường. Phác đồ điều trị hầu như chỉ bắt đầu khi có albumin niệu, nên việc không có albumin niệucó thể gây khó khăn cho việc xác định thời điểm thích hợp để bắt đầu các can thiệp điều trị chuyên sâu. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần xác định những dấu ấn sinh học ngoài albumin niệu dựa trên cơ chế bệnh sinh của bệnh thận đái tháo đường.
Hiện nay, việc sàng lọc bệnh thận đái tháo đường được thực hiện cho tất cả bệnh nhân ĐTĐ type 2 khi được chẩn đoán và hàng năm sau đó bằng cách đánh giá chức năng thận và microalbumin niệu. Trong khi ĐTĐ type 1 được sàng lọc sau 5 năm được chẩn đoán mắc ĐTĐ. Nếu xét nghiệm không có microalbumin niệu thì việc sàng lọc nên được lặp lại hàng năm đối với ĐTĐ type 1 và 2. Ngược lại, bệnh nhân có xuất hiện albumin niệu vi thể hay đại thể đều nên được đánh giá sự hiện diện các bệnh lý đi kèm như bệnh lý võng mạc.
Việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng để quản lý rủi ro nhằm cải thiện tiên lượng và làm chậm sự tiến triển của bệnh thận ĐTĐ. Các xét nghiệm chẩn đoán thông thường có những hạn chế nhất định, thường dẫn đến chẩn đoán muộn. Việc liên tục tìm kiếm các dấu ấn sinh học mới trong nước tiểu và huyết thanh, dựa trên protein và chất chuyển hóa, đã cải thiện sự hiểu biết về sinh lý bệnh và cơ chế liên quan đến sự phát triển của bệnh thận ĐTĐ
Mặc dù, sự phát triển của y học đã đưa chúng ta đến thời điểm mà các chiến lược can thiệp ở mức độ cá nhân hóa với mục đích tối ưu hóa các can thiệp điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp dấu ấn sinh học cho bệnh thận ĐTĐ, phần lớn thông tin có sẵn đều dựa trên các nghiên cứu trên động vật, tế bào và in vitro, và kết quả của các nghiên cứu trên quần thể lớn vẫn còn hạn chế và gây tranh cãi. Một yếu tố quan trọng khác cần xem xét là hiệu quả chi phí của việc sử dụng các dấu ấn sinh học này và sự sẵn có của chúng. Điều quan trọng cần lưu ý là hiệu suất chẩn đoán của các dấu ấn sinh học này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác mà không nhất thiết chỉ ra sự hiện diện của chấn thương thận cấp tính. Do đó, cần xem xét tác động của các bệnh đi kèm đối với các dấu ấn sinh học này và các ngưỡng giới hạn được đề xuất để chẩn đoán, theo dõi và tiên lượng có thể cần phải được đánh giá lại.
Một số dấu ấn sinh học dường như trội hơn về mặt tiềm năng trong đánh giá sớm tổn thương cầu thận đã được phát hiện từ các nghiên cứu lâm sàng. Trong đó, có những dấu ấn sinh học có khả năng chẩn đoán sớm bệnh thận đái tháo đường và một số ít có ý nghĩa trong việc dự đoán sự suy giảm chức năng thận như CysC, Gas6, βTP, trong phát hiện sớm tổn thương ống thận NGAL, KIM-1, CCL5, phản ánh tình trạng stress oxy hóa có miR-130b. Đến hiện tại, các dấu ấn này đã có nhiều nghiên cứu chứng minh được nguồn gốc cũng như chuyển hóa và bài tiết của chúng, cho thấy kết quả tích cực đầy hứa hẹn bằng những thiết kế nghiên cứu đoàn hệ và cỡ mẫu lớn có độ tin cậy cao, CCL5 và miR-130b là các dấu ấn mới nổi theo xu hướng tối ưu can thiệp và điều trị mức độ cá nhân hóa. Còn lại, một số dấu ấn đánh giá về tình trạng viêm như MCP-1, PKM2 mặc dù cho kết quả khá ấn tượng nhưng vẫn chưa có nhiều kết quả thật sự thuyết phục khi chỉ mới xuất phát điểm từ nghiên cứu thực nghiệm trên động vật.
Việc áp dụng các dấu ấn sinh học này còn tồn tại những hạn chế bởi nhiều yếu tố khác nhau như sự sẵn có các xét nghiệm, chi phí, sự khác biệt trong kỹ thuật và kết quả từ thử nghiệm đến thực tế lâm sàng cũng như thiếu sự chấp thuận và khuyến cáo của các cơ quan quản lý quốc gia và quốc tế.
Microalbumin niệu đến hiện tại vẫn là dấu hiệu sớm của bệnh thận ĐTĐ. Tuy nhiên, với sự cải thiện hiểu biết về sinh bệnh học, tổn thương thận có thể xảy ra ngay cả khi không có microalbumin niệu. Vì vậy, việc đánh giá sự tiến triển của bệnh thận ĐTĐ không thể chỉ dựa vào albumin niệu và creatinine. Nỗ lực xác định các dấu ấn sinh học mới khác nhau có vẻ thật sự cần thiết. Cho dù các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số dấu ấn sinh học mới tiềm năng. Tuy nhiên, mỗi dấu ấn sinh học có vai trò khác nhau trong việc xác định sớm bệnh thận ĐTĐ hoặc dự đoán sự tiến triển của nó, một số ít trong số chúng dường như hữu ích nhưng một số cũng rất cần phải cân nhắc. Vì thế, những dấu ấn sinh học mới này cần đảm bảo được xác nhận thêm về mặt giá trị bởi các nghiên cứu với quy mô lớn liên quan đến quần thể bệnh ĐTĐ trước khi áp dụng lâm sàng.
P.T.T (tổng hợp)