COVID-19 liên quan đến khởi phát tiểu đường type 2 ở trẻ em
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/12/2024 12:06 Cỡ chữ
Các bệnh nhân nhi từ 10 đến 19 tuổi được chẩn đoán mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mới trong vòng sáu tháng cao hơn so với những trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, theo các nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học Case Western Reserve.
Nghiên cứu này tiếp nối phân tích tổng hợp trước đó cho thấy nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 tăng ở người lớn. Phân tích tổng hợp này đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc tiểu đường mới sau nhiễm SARS-CoV-2 ở người lớn trung bình cao hơn 66%. Trong nghiên cứu hồi cứu hiện tại, "Nhiễm SARS-CoV-2 và khởi phát tiểu đường type 2 ở bệnh nhân nhi, 2020 đến 2022," được công bố trên JAMA Network Open, các nhà khoa học tìm hiểu xem liệu có xu hướng tương tự xảy ra ở trẻ em hay không.
Nghiên cứu đã phân tích một nhóm gồm 613.602 bệnh nhân nhi từ 10 đến 19 tuổi. Sau khi đối chiếu điểm xu hướng, nhóm này được chia đều thành hai nhóm: 306.801 bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 và 306.801 bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác (ORI).
Một nhóm con của các bệnh nhân nhi bị béo phì và mắc COVID-19 hoặc ORI cũng được phân tích, với hai nhóm gồm 16.469 bệnh nhân.
Nghiên cứu so sánh tỷ lệ chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 mới ở một, ba và sáu tháng sau khi nhiễm trùng hô hấp ban đầu. Tỷ lệ rủi ro (RR) phát triển tiểu đường type 2 sau khi nhiễm COVID-19 cao hơn đáng kể so với những người mắc ORI.
Cụ thể, RR là 1,55 (KTC 95%, 1,28–1,89) ở một tháng, 1,48 (KTC 95%, 1,24–1,76) ở ba tháng, và 1,58 (KTC 95%, 1,35–1,85) ở sáu tháng sau nhiễm trùng.
Các phân tích nhóm nhỏ hơn cho thấy nguy cơ cao hơn nữa ở những trẻ thừa cân, với RR là 2,07 ở một tháng, 2,00 ở ba tháng và 2,27 ở sáu tháng. Những bệnh nhân phải nhập viện cũng cho thấy nguy cơ tăng cao, với RR là 3,10 ở một tháng, 2,74 ở ba tháng và 2,62 ở sáu tháng sau khi chẩn đoán COVID-19.
Nghiên cứu kết luận rằng nhiễm SARS-CoV-2 có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn ở trẻ em so với những trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Cần có thêm nghiên cứu để xác định liệu bệnh tiểu đường này có kéo dài hay là một tình trạng có thể hồi phục về sau.
Mặc dù COVID-19 có thể không phải là nguyên nhân dễ nhận thấy của bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng hiện nay vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh này. Nó thường liên quan đến thừa cân, ít vận động, ăn thực phẩm chế biến hoặc có tiền sử gia đình mắc tiểu đường tuýp 2, cho thấy cơ sở cả về môi trường lẫn di truyền.
Kháng insulin là vấn đề cốt lõi của bệnh tiểu đường tuýp 2. Insulin là một hormone do tuyến tụy sản xuất, có nhiệm vụ loại bỏ glucose khỏi máu bằng cách gắn nó vào các thụ thể của tế bào, nơi glucose được hấp thụ và sử dụng làm năng lượng.
Kháng insulin trên mức độ sinh lý có nghĩa là các tế bào đã giảm khả năng tiếp nhận insulin. Điều này có thể xảy ra nếu các tế bào đã tiếp xúc quá nhiều với insulin. Việc giảm số lượng thụ thể làm tăng lượng glucose tự do trong máu, khiến não bộ cho rằng tuyến tụy cần sản xuất thêm insulin. Vòng lặp phản hồi tiêu cực này thường làm cho bệnh tiến triển nặng hơn.
Phân tích hồi cứu hiện tại chỉ có thể thấy mối tương quan giữa COVID-19 và nhóm nghiên cứu, chứ không xác định được mối quan hệ nhân quả. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ cần xác định xem COVID-19 có ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ thống liên quan đến việc cảm nhận glucose và điều tiết insulin của não, sản xuất insulin của tuyến tụy hoặc khả năng liên kết của các tế bào hay không.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/, 2024