Chuột tiếp xúc ánh sáng xanh vào ban đêm dẫn đến các triệu chứng trầm cảm
Cập nhật vào: Thứ năm - 11/06/2020 23:17 Cỡ chữ
Một nhóm các nhà nghiên cứu liên kết với nhiều tổ chức ở Trung Quốc đã phát hiện thấy chuột tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm. Trong bài báo được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience, nhóm nghiên cứu đã mô tả chi tiết thí nghiệm cho chuột tiếp xúc ánh sáng xanh và ý nghĩa của kết quả thu được đối với con người.
Nguồn: CC0 Public Domain
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người làm việc ca đêm thường dễ bị trầm cảm hơn những người làm việc vào ban ngày nhưng vẫn chưa rõ lý do tại sao. Trong thời gian gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng điện thoại thông minh vào ban đêm một cách thường xuyên cũng có thể góp phần gây ra trầm cảm. Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã tự hỏi trong trường hợp này, việc mắt tiếp xúc với tất cả các loại ánh sáng vào ban đêm sẽ gây ra tác động lớn hay chỉ khi tiếp xúc với ánh sáng xanh. Để biết rõ hơn đối với vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm liên quan đến việc cho chuột trong phòng thí nghiệm tiếp xúc với ánh sáng xanh.
Các nhà nghiên cứu đã cho chuột thí nghiệm tiếp xúc với ánh sáng xanh hai giờ mỗi đêm trong vòng ba tuần và sau đó theo dõi sát chuột để xác định xem liệu khi chuột tiếp xúc với ánh sáng này có ảnh hưởng rõ rệt đến hành vi của chúng hay không.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ban đầu, những con chuột không có dấu hiệu thay đổi gì. Tuy nhiên sau ba tuần, những con chuột này bắt đầu lười làm việc hơn để được nhận miếng đường phần thưởng và ít cố gắng hết sức để trình bày khả năng. Hai biểu hiện này được coi là dấu hiệu trầm cảm ở chuột. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các triệu chứng trầm cảm tiếp tục kéo dài đến ba tuần, ngay cả sau khi ngừng tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm.
Để hiểu rõ lý do tại sao việc chiếu ánh sáng xanh vào chuột khiến chuột bị trầm cảm, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu bộ não của chúng, cụ thể là các con đường thần kinh dẫn từ mắt đến não. Họ đã tìm thấy một loại thụ thể ánh sáng cụ thể trong võng mạc chuột dẫn đến các khu vực não liên quan đến tâm trạng bị ảnh hưởng đó là vùng nhân cạp (nucleus accumbens) và vùng dorsal perihabenular nucleus. Khi các nhà nghiên cứu ngắt kết nối chúng, những con chuột không trở nên bị trầm cảm do tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các con đường này trở nên tích cực hơn khi xử lý ánh sáng xanh vào ban đêm so với ban ngày. Điều này giải thích tại sao ánh sáng xanh vào ban ngày không dẫn đến trầm cảm.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2020-06-exposing-mice-blue-night-depressive.html, 2/6/2020