Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao ở trẻ em có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt khi trưởng thành
Cập nhật vào: Thứ tư - 09/10/2024 00:13 Cỡ chữ
Các nhà nghiên cứu y tế và chuyên gia quản lý bệnh tật ở Trung Quốc đã tìm thấy mối liên hệ giữa béo phì ở trẻ em và bệnh tâm thần phân liệt ở người lớn. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, nhóm đã phân tích hồ sơ sức khỏe của những người tham gia vào hai nghiên cứu di truyền lớn.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng béo phì ở trẻ em có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe trong suốt thời thơ ấu và sau này trong cuộc sống. Nhóm nghiên cứu tự hỏi liệu nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không.
Để tìm hiểu, họ đã phân tích dữ liệu do các nhà nghiên cứu làm việc tại Hiệp hội nghiên cứu hệ gen tâm thần (Psychiatric Genomics Consortium) thu thập, đây là một nỗ lực dài hạn nhằm khám phá nền tảng di truyền của các bệnh tâm thần. Họ đã làm tương tự với dữ liệu do các nhà nghiên cứu thuộc đối tác FinnGen, dự án cũng dành riêng cho việc nghiên cứu các bệnh di truyền.
Đối tượng tham gia nghiên cứu là những trường hợp bị béo phì khi còn nhỏ và liệu có phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi trưởng thành hay không. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần mà nhóm nghiên cứu tìm kiếm bao gồm rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), trầm cảm nặng, rối loạn lo âu, bệnh Alzheimer và tâm thần phân liệt. Họ không tìm thấy mối liên hệ nào giữa tình trạng béo phì ở trẻ em và bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào ngoại trừ bệnh tâm thần phân liệt.
Họ mô tả bằng chứng liên kết giữa tình trạng béo phì ở trẻ em và bệnh tâm thần phân liệt ở giai đoạn trưởng thành là thuyết phục và trực tiếp. Đồng thời phát hiện ra mối liên hệ này không phụ thuộc vào tình trạng béo phì khi trưởng thành hay các yếu tố lối sống khác. Tuy nhiên, nhóm chưa thể giải thích được lý do tại sao béo phì ở trẻ em lại có thể dẫn đến tâm thần phân liệt sau này, nhưng họ gợi ý rằng chất béo dư thừa có thể bằng cách nào đó thay đổi sự phát triển của não bộ.
Trong một phân tích khác, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những người không béo phì khi còn nhỏ nhưng béo phì khi trưởng thành ít có khả năng mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa béo phì ở trẻ em bằng cách xây dựng các chính sách hoặc chương trình phòng ngừa giúp trẻ em không bị thừa cân.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/10/2024