Cấy nang lông có thể loại bỏ sẹo
Cập nhật vào: Thứ năm - 02/02/2023 00:05 Cỡ chữ
Không giống da bình thường, mô sẹo không chứa bất kỳ nang lông nào. Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh, khi các nang lông được cấy vào mô sẹo, mô sẹo đó sẽ thay đổi để giống như da không bị tổn thương hơn.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy da chứa nhiều nang lông, sẽ lành nhanh và ít để lại sẹo hơn da không có nang lông. Ngoài ra, các nang lông thúc đẩy quá trình chữa lành khi được cấy vào các vùng da mới tổn thương.
Các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London, Anh đã tiến xa hơn thông qua việc nghiên cứu khả năng cấy ghép nang tóc để làm giảm hoặc loại bỏ các vết sẹo. Trong nghiên cứu, nhóm tác giả đã phối hợp với TS. Francisco Jiménez tại Đại học Fernando Pessoa Canarias. Tây Ban Nha để cấy nang lông vào các vết sẹo lâu ngày trên da đầu của ba người tham gia thử nghiệm. Các vết sẹo này đều bình thường và được xếp vào loại phổ biến.
Các mẫu mô sẹo dày 3 mm được lấy và phân tích ngay trước khi cấy ghép và sau đó hai, bốn và sáu tháng, được phân tích lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nang lông tiếp tục phát triển thành tóc. Cụ thể, các gen trong mô sẹo thúc đẩy sự phát triển của mạch máu và tế bào da bình thường được biểu hiện nhiều hơn trước, trong khi các gen thúc đẩy sự hình thành sẹo ít được biểu hiện hơn. Kết quả là sau 4 tháng, số lượng mạch máu trong mô sẹo gần bằng trên da khỏe mạnh.
Ngoài ra, sau sáu tháng, lớp biểu bì của vết sẹo (là lớp da ngoài cùng) đã dày lên gấp đôi, xấp xỉ bằng lớp biểu bì cứng hơn của vùng da không bị tổn thương. Đồng thời, mật độ sợi collagen trong mô sẹo giảm đi, làm cho mô sẹo mềm và dẻo hơn. Đây là những điểm cân nhắc quan trọng, vì mô sẹo thường mỏng hơn da bình thường, khiến da dễ bị tổn thương và cũng đàn hồi kém, có khả năng cản trở cử động.
Tất nhiên, sự phát triển của nang lông mới có thể không được như mong đợi khi tiến hành điều trị sẹo ở những vùng da khác ngoài da đầu. Trước thực tế đó, các nhà khoa học hiện đang cố gắng hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động với hy vọng có thể tái tạo hiệu quả giảm sẹo mà không cần cấy ghép nang tóc thực sự.
TS. Claire Higgins, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Da sau khi bị sẹo, trên thực tế không phục hồi được các chức năng như trước khi da bị tổn thương và đến nay, mọi nỗ lực tái tạo sẹo đều chưa mang lại kết quả tốt đẹp. Phát hiện của chúng tôi đặt nền tảng cho các liệu pháp mới thú vị có thể làm trẻ hóa các vết sẹo và phục hồi chức năng của làn da khỏe mạnh".
Kết quả nghiên cứu gần đây đã được công bố trên tạp chí npj Regenerative Medicine.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/hair-follicle-transplants-scars/, 9/1/2023