Cấy ghép giác mạc làm từ da lợn để phục hồi thị lực trong thử nghiệm thí điểm
Cập nhật vào: Thứ ba - 06/09/2022 11:09 Cỡ chữ
Kỹ thuật cấy ghép giác mạc được làm từ collagen chiết xuất từ da lợn cho thấy đã khôi phục được thị lực cho 20 tình nguyện viên trong một nghiên cứu thử nghiệm mang tính bước ngoặt.
Trong khi chờ được thử nghiệm thêm, phương pháp cấy ghép sinh học mới này được hy vọng sẽ cải thiện được tầm nhìn của hàng triệu người trên thế giới đang chờ đợi những ca phẫu thuật ghép giác mạc khó khăn và tốn kém.
Mỗi năm, có hơn một triệu người trên thế giới được chẩn đoán mù do giác mạc bị hỏng hoặc do bị bệnh. Tầm nhìn của một người có thể dễ dàng bị gián đoạn khi lớp mô mỏng bên ngoài bao quanh mắt này bị thoái hóa.
Một người bị mù giác mạc có thể phục hồi thị lực bằng cách cấy ghép giác mạc từ người hiến tặng. Tuy nhiên, việc thiếu người hiến tặng giác mạc đồng nghĩa với việc chỉ có một trong số 70 người bị mù giác mạc có thể tiếp cận với việc cấy ghép này. Thêm vào đó, quy trình phẫu thuật có thể phức tạp, làm tăng khả năng khó tiếp cận với quy trình phục hồi thị lực này đối với người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Nghiên cứu mới này lần đầu tiên nhắm đến việc phát triển phương pháp cấy ghép giác mạc không dựa vào mô người hiến tặng. Hơn một thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên chứng minh giác mạc sinh tổng hợp là chất thay thế hiệu quả cho giác mạc của người hiến tặng. Nhưng những nghiên cứu trước đó vẫn liên quan đến collagen của con người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm phức tạp, được đúc thành hình dạng của giác mạc.
Nghiên cứu mới này chứng minh rằng giác mạc sinh tổng hợp tương tự có thể được sản xuất hiệu quả bằng cách sử dụng collagen cấp y tế có nguồn gốc từ da lợn. Đây không chỉ là nguồn cung cấp collagen rẻ và bền vững, mà còn là công nghệ kỹ thuật cải tiến, có nghĩa là những giác mạc đã qua xử lý sinh học này có thể được lưu trữ an toàn trong gần hai năm, không giống như giác mạc người hiến tặng phải được sử dụng trong vòng hai tuần sau khi có được.
Neil Lagali, một trong những nhà nghiên cứu làm việc trong dự án giải thích: “Các kết quả cho thấy có thể phát triển một loại vật liệu sinh học đáp ứng tất cả các tiêu chí để sử dụng làm vật liệu cấy ghép cho con người. Điều này giúp chúng ta giải quyết được vấn đề thiếu mô giác mạc hiến tặng và khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị bệnh mắt khác”.
Một cải tiến khác được chứng minh trong nghiên cứu này là phương pháp phẫu thuật mới cho cấy ghép giác mạc kỹ thuật sinh học. Thay vì phải phẫu thuật loại bỏ giác mạc có sẵn của bệnh nhân, như được thực hiện khi cấy ghép giác mạc của người hiến tặng, phương pháp mới sẽ giữ nguyên mô đó. Chỉ cần một vết khâu nhỏ để đưa mô cấy mới vào.
Kigali nói: “Một phương pháp ít xâm lấn hơn có thể được sử dụng ở nhiều bệnh viện hơn, do đó giúp được nhiều người hơn. Với phương pháp của chúng tôi, bác sĩ phẫu thuật không cần phải loại bỏ mô của chính bệnh nhân. Thay vào đó, một vết rạch nhỏ được thực hiện, qua đó thiết bị cấy ghép được đưa vào giác mạc hiện có”.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology mô tả kết quả của một thử nghiệm thí điểm đã kiểm tra thiết bị cấy ghép ở 20 tình nguyện viên, 14 người trong số này bị mù hoàn toàn trước quy trình thử nghiệm. Sau hai năm theo dõi, nghiên cứu báo cáo tất cả 20 tình nguyện viên đã hoàn toàn lấy lại thị lực và không gặp phải tác dụng phụ nào từ cuộc phẫu thuật.
Các mô cũng được cho là chữa lành cực kỳ nhanh chóng, chỉ cần dùng thuốc nhỏ mắt ức chế miễn dịch trong 8 tuần để ngăn chặn sự đào thải. Các ca ghép giác mạc hiện nay sử dụng mô người thường phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trong vài năm để ngăn chặn sự đào thải mô.
Mặc dù vô cùng hứa hẹn, điều quan trọng cần nhấn mạnh là những kết quả này mới chỉ từ một nghiên cứu thử nghiệm sơ bộ. Một thử nghiệm lâm sàng lớn hơn, mạnh mẽ hơn sẽ là cần thiết trước khi thiết bị cấy ghép cải tiến này được đưa ra thế giới. Tuy nhiên, Lagali hy vọng rằng nghiên cứu này cuối cùng sẽ dẫn đến một phương pháp rẻ và dễ dàng để sửa chữa các tổn thương giác mạc ở hàng triệu người trên thế giới.
“Chúng tôi đã nỗ lực đáng kể để đảm bảo rằng phát minh của chúng tôi sẽ được phổ biến rộng rãi và có giá cả phải chăng cho tất cả mọi người chứ không chỉ những người giàu có và có thể được sử dụng ở mọi nơi trên thế giới”, Lagali nói.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology gần đây.
P.T.T (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/cornea-implant-pig-skin-restores-vision-pilot-study/, 20/8/2022