BỆNH NHÂN COVID-19 CÓ THỂ PHỤC HỒI NHỜ CÓ HUYẾT TƯƠNG TỪ NGƯỜI ĐÃ KHỎI BỆNH
Cập nhật vào: Thứ năm - 09/04/2020 20:35 Cỡ chữ
Theo một nghiên cứu thí điểm mới được công bố trên tạp chí PNAS, cung cấp một liều kháng thể được lấy từ máu của các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh giúp cho 10 bệnh nhân nhiễm virus corona nặng sống sót, rút ngắn thời gian của các triệu chứng, cải thiện nồng độ oxy và tăng tốc độ loại bỏ virus.
Nghiên cứu này được tiến hành tại ba bệnh viện ở Trung Quốc, cho thấy những lợi ích triển vọng của việc khai thác các kháng thể miễn dịch từ những người bệnh đã hồi phục (còn gọi là huyết tương phục hồi) và cung cấp cho các bệnh nhân COVID-19 nặng.
Phát hiện nghiên cứu mang đến hy vọng một liệu pháp lâu đời với tiền đề đơn giản có thể trở thành liệu pháp mạnh mẽ cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Đầu thế kỷ 20, các bác sĩ đã chuyển các kháng thể trong máu của những bệnh nhân đã khỏi bệnh bại liệt, sởi, quai bị và cúm cho những người vẫn còn trong tình trạng bị nhiễm trùng. Kết quả là những bệnh nhân được điều trị huyết tương hồi phục hoàn toàn nhanh hơn so với bệnh nhân không được điều trị.
Trong bối cảnh phải mất ít nhất một năm mới tạo ra được vắc-xin và chưa có liệu pháp hiệu quả cho COVID-19, vào ngày 24/3/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cấp phép sử dụng liệu pháp này cho các thử nghiệm lâm sàng và cho các bệnh nhân nguy kịch mà không có lựa chọn khác.
Nghiên cứu thí điểm mới cho kết quả triển vọng. Một bệnh nhân nam 46 tuổi bị huyết áp cao nhập viện trong tình trạng sốt, ho, khó thở và đau ngực, đã phải nhờ đến máy thở để đẩy oxy vào phổi mà lượng oxy trong máu chỉ đạt mức 86%. (Chỉ số bình thường dao động từ 95 - 100%).
Mười một ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh nhân này xuất hiện, bệnh nhân đã được truyền huyết tương phục hồi. Đến ngày thứ 12, xét nghiệm máu cho kết quả người bệnh âm tính với SARS-CoV-2. Tình trạng viêm nhiễm của bệnh nhân đã giảm mạnh. Lượng oxy trong máu đã tăng lên 90%. Ngày hôm sau, bệnh nhân không cần sử dụng máy thở trong ba ngày. Ngoài phổi, hệ miễn dịch và chức năng gan của bệnh nhân đã dần trở lại bình thường bốn ngày sau khi bệnh nhân được truyền kháng thể huyết tương.
Đối với một phụ nữ 49 tuổi không có bệnh lý nền, bị nhiễm COVID-19 đã nhanh chóng tiến triển gây khó thở và khiến bà phải nhập viện. Đến ngày thứ bảy sau khi xuất hiện các triệu chứng, chụp X-quang phổi cho thấy những vết mờ do người bệnh có sự tích tụ các chất lỏng hoặc protein bị rò rỉ phân tán khắp 2 lá phổi. Vào ngày thứ 10 sau khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân đã được truyền huyết tương phục hồi. Đến ngày thứ 12, bệnh nhân đã loại bỏ được virus khỏi cơ thể.
Trong số 10 bệnh nhân, các triệu chứng khiến họ phải nhập viện, đã biến mất hoặc cải thiện đáng kể trong vòng từ 1-3 ngày sau khi họ được truyền kháng thể từ người hiến tặng. Hai trong số ba bệnh nhân cần sự trợ giúp của máy thở, đã có thể tự thở trở lại. Không bệnh nhân nào tử vong và chỉ có một bệnh nhân xuất hiện vết bầm đỏ trên mặt, tác dụng phụ không mong muốn.
Nghiên cứu không sử dụng một nhóm bệnh nhân đối chứng không dùng huyết tương phục hồi. Nhưng các tác giả đã tạo ra một nhóm đối chứng từ một lựa chọn ngẫu nhiên 10 bệnh nhân COVID-19 được điều trị trong cùng một bệnh viện và phù hợp với 10 người tham gia nghiên cứu về độ tuổi, giới tính và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Hai nhóm gần giống nhau về ngày nhập viện. Nhưng trong vài tuần sau, bệnh tình của họ tiến triển theo những hướng khác nhau. Trong nhóm đối chứng, 3 người đã chết, 6 người có tình trạng bệnh ổn định và 1 người đã khá hơn trong thời gian nghiên cứu. Trong số những người nhận được huyết tương phục hồi, ba người đã được xuất viện và 7 người còn lại được đánh giá đã "cải thiện nhiều" và sẵn sàng xuất viện.
"Nghiên cứu thí điểm về liệu pháp [huyết tương phục hồi] cho thấy hiệu quả điều trị tiềm năng và nguy cơ thấp trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng", các tác giả của nghiên cứu mới cho biết. "Một liều [huyết tương phục hồi] với nồng độ kháng thể trung hòa cao có thể nhanh chóng làm giảm tải lượng virus và có xu hướng cải thiện kết quả lâm sàng".
Nhóm nghiên cứu do Kai Duan tại một công ty TNHH thuộc Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc dẫn đầu, cho rằng những nghiên cứu chi tiết và trên quy mô lớn hơn sẽ làm rõ liều lượng huyết tương phục hồi phù hợp để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và thời điểm cung cấp lý tưởng.
N.P.D (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2020-04-coronavirus-patients-benefit-blood-recovered.html, 7/4/2020