Ba đơn vị nhận tài trợ 20 tỷ đồng nghiên cứu Covid-19
Cập nhật vào: Thứ sáu - 21/02/2020 21:59
Cỡ chữ
Kinh phí được Vingroup cấp cho 3 dự án nghiên cứu vaccine, đặc điểm dịch tễ học và phát triển hệ thống
cảnh báo quốc gia về Covid-19.
Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện dã chiến tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, nơi tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm nCoV. Ảnh:
Quỳnh Trần.
Sáng 20/2/2020, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn - VINBDI (thuộc Tập đoàn
Vingroup) đã ký tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19. Trong đó Công ty TNHH
Một Thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) nhận tài trợ 8 tỷ đồng để nghiên cứu, phát triển
vaccine chống lại chủng mới của virus corona trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm; Viện
Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận tài trợ gần 7,5 tỷ đồng cho đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và virus
học; Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nhận tài trợ 4 tỷ đồng với đề tài phát triển hệ thống
cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh Covid-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế
hoạch đáp ứng khẩn cấp.
Ở đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm nhiệm thuộc 4 nhóm
nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp
do Covid-19 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt trước đó.
Toàn bộ kinh phí tài trợ sẽ được các đơn vị sử dụng để nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm vaccine, xác định
đặc điểm dịch tễ và virus của bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, xây dựng mô hình ước tính tình hình
dịch bệnh, dự đoán khả năng lây truyền, xác định biện pháp ứng phó cần thiết và đưa ra cảnh báo phù hợp.
Công ty TNHH Một Thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bước đầu
1.000 liều vaccine phòng Covid-19 theo quy trình công nghệ sản xuất vaccine coronavirus trên giá thể
baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm. Vaccine được đánh giá trên động vật trước khi thử nghiệm trên
cơ thể người.
Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng sẽ xây dựng mô hình thống kê phân tích dịch, công cụ dự
báo dịch và ước tính nguồn lực cần thiết. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nghiên cứu đặc điểm dịch tễ,
quá trình nhiễm, virus, đáp ứng huyết thanh ở người nhiễm và biện pháp ứng phó dịch Covid-19, đề xuất
giải pháp phòng chống dịch.
Trong 3 dự án nghiên cứu này, 2 dự án do Hội đồng Khoa học của VINIF trực tiếp thẩm định, xét chọn,
nghiệm thu và quản lý. Dự án nghiên cứu đặc điểm dịch tễ Covid-19 do Văn phòng các Chương trình
trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu, quản lý.
4
Đại diện các đơn vị nghiên cứu trong lễ ký kết sáng 20/2/2020.
PGS Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành Quỹ VinIF cho biết, với vai trò là tổ chức hoạt động nhằm
thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam, trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp và
nguy cấp, mong muốn được tiếp sức cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu phòng và chống bệnh.
Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ
Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện đồng tài trợ,
huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 lây
lan mạnh, mức độ báo động toàn cầu. Việc tài trợ này không gắn với quyền lợi trực tiếp của doanh nghiệp,
mà giải quyết yêu cầu của xã hội. Ngân sách nhà nước đã sẵn sàng cân đối để xử lý các yêu cầu cấp bách
nhằm phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, tuy nhiên sự tham gia kịp thời của Vingroup trong thời điểm
này rất đáng trân trọng.
"Đây là ví dụ điển hình cho thấy hệ sinh thái cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam
đã mở rộng, không chỉ là các đơn vị nghiên cứu của Nhà nước, mà cả đơn vị nghiên cứu tư nhân, có sự
tham gia tài trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát triển trên nền tàng công nghệ", ông
Hùng nói.
NASAT