Ăn uống đơn giản có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và ung thư
Cập nhật vào: Thứ sáu - 16/08/2024 00:14 Cỡ chữ
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Mỹ, giảm khoảng 1/3 mức tiêu thụ thịt chế biến sẵn có thể ngăn ngừa hơn 350.000 trường hợp mắc tiểu đường trong 10 năm, cũng như giảm đáng kể số người mắc bệnh tim mạch và ung thư trực tràng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, Anh và Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, Mỹ đã sử dụng công cụ mô phỏng vi mô để phân tích tác động nhờ giảm lượng thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến đến sức khỏe con người. Theo đó, người trưởng thành ở Mỹ cắt giảm tiêu thụ 30% lượng thịt chế biến sẵn, tương đương với khoảng 10 lát thịt xông khói mỗi tuần, sẽ làm giảm hàng chục nghìn ca mắc bệnh tim mạch và ung thư đại tràng.
Nhiều nghiên cứu đã xác định được mối liên hệ giữa việc ăn nhiều thịt chế biến sẵn với bệnh mãn tính, nhưng rất ít nghiên cứu đánh giá tác động của nó đến sức khỏe. Một số nghiên cứu trước đây cũng cho thấy thịt đỏ chưa qua chế biến, có nguy cơ gây bệnh mãn tính nhưng bằng chứng vẫn còn hạn chế.
Phát hiện mô phỏng
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát sức khỏe quốc gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) để tạo ra một mẫu mô phỏng, đại diện cho bộ phân dân số trưởng thành ở Mỹ, được gọi là mô phỏng vi mô. Đây là mô phỏng đầu tiên ước tính tác động của việc giảm tiêu thụ thịt chế biến và thịt đỏ chưa qua chế biến ở mức từ 5 đến 100% đến sức khỏe của người dân Mỹ. Nhóm nghiên cứu đánh giá cách những thay đổi trong việc tiêu thụ thịt ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư đại trực tràng và tử vong ở người trưởng thành. Các tác động được xác định trong toàn bộ dân số và theo độ tuổi, giới tính, thu nhập hộ gia đình và dân tộc.
Giảm tiêu thụ 30% lượng thịt qua chế biến đã ngăn ngừa hơn 350.000 trường hợp tiểu đường và giảm 92.500 ca mắc bệnh tim mạch và 53.300 ca ung thư trực tràng trong một thập kỷ. Trong trường hợp này, nam giới da trắng và những người trong gia đình có thu nhập hàng năm từ 25.000 đến 55.000 USD thu được lợi ích sức khỏe nhiều nhất.
So sánh các loại thịt
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích tác động của việc chỉ cắt giảm lượng thịt đỏ chưa qua chế biến và cắt giảm tiêu thụ cả thịt qua chế biến và chưa qua chế biến. Kết quả là giảm 30% mức tiêu thụ cả hai loại thịt đã dẫn đến giảm 1.073.400 ca mắc bệnh tiểu đường, 382.400 ca mắc bệnh tim mạch và 84.400 ca ung thư trực tràng. Trong khi đó, chỉ cắt giảm 30% lượng thịt đỏ chưa qua chế biến, nghĩa là ăn ít hơn khoảng 1/4 chiếc bánh mì kẹp thịt bò mỗi tuần, đã giúp giảm hơn 732.000 ca mắc bệnh tiểu đường, 291.500 ca mắc bệnh tim mạch và 32.200 ca ung thư đại trực tràng.
Phát hiện nghiên cứu cho thấy nhiều ca bệnh được ngăn ngừa bằng cách giảm tiêu thụ thịt đỏ chưa qua chế biến so với thịt đã chế biến. Nguyên nhân một phần là do thịt đỏ chưa qua chế biến được tiêu thụ trung bình hàng ngày cao hơn thịt chế biến, lần lượt ở mức 47g/ngày và 29g/ngày.
Vì ít người biết đến tác động của việc ăn thịt đỏ chưa qua chế biến đến nguy cơ mắc bệnh mãn tính, các tác giả cho rằng các ước tính này cần được diễn giải một cách thận trọng và cần có nhiều nghiên cứu hơn.
N.P.D (NASATI), theo Scitechdaily, 8/2024