Hội thảo Khoa học Xu thế hình thành trật tự quốc tế số đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Cập nhật vào: Thứ hai - 07/10/2024 00:03 Cỡ chữ
Ngày 27/9/2024, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xu thế hình thành trật tự quốc tế số đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài “Dự báo Cục diện thế giới đến năm 2030 và hàm ý đối với Việt Nam”, thuộc Chương trình cấp Bộ Ngoại giao về “Dự báo môi trường đối ngoại của Việt Nam đến năm 2030”, mã số CT03-BNG/24-25.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo lần này có sự tham dự của hơn 50 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, học giả, nghiên cứu viên đến từ các đơn vị, viện nghiên cứu thuộc bộ, ban ngành, cơ quan nghiên cứu có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Dầu khí Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo định hướng tại Hội thảo, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh trong thời gian qua, các xu thế về công nghệ số đã và đang có tác động rất lớn đến tình hình trật tự quốc tế. Sự quan tâm của quốc tế đối với xu thế công nghệ số và trật tự số trong thời gian qua cũng ngày càng rõ nét, điển hình như việc Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua Hiệp ước tương lai, trong đó bao gồm Thoả thuận số Toàn cầu (Global Digital compact), các nước lớn cũng đưa ra ngày càng nhiều sáng kiến mới về công nghệ. TS Phạm Lan Dung cũng nhận định, tình hình thế giới thời gian tới diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy, việc đánh giá, dự báo về xu thế phát triển công nghệ trong 10-15 năm tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Chia sẻ với nhận định của TS Phạm Lan Dung, TS Nguyễn Việt Lâm, Chuyên viên Cao cấp Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Đề tài “Dự báo Cục diện thế giới đến năm 2030 và hàm ý đối với Việt Nam” cho biết cạnh tranh chiến lược công nghệ Mỹ - Trung đã và đang tác động sâu sắc đến sự thay đổi và định hình của trật tự quốc tế, bao gồm trật tự quốc tế số.
Thay mặt nhóm Đề tài, TS Nguyễn Việt Lâm chia sẻ nghiên cứu về ba kịch bản về xu thế hình thành trật tự quốc tế số thời gian tới, bao gồm (i) Kịch bản có khả năng cao: trật tự quốc tế số bị chia cắt thành hai cực gồm Phương Tây và Phương Đông, giữa Mỹ và Trung Quốc; (ii) Kịch bản có khả năng xảy ra vừa: trật tự công nghệ đa cực, theo đó các tập đoàn công nghệ đóng vai trò như các cực, thống trị không gian số và là chủ thể chính trong trật tự số toàn cầu, định hình hệ tư tưởng, nền chính trị và các hoạt động kinh tế; (iii) Kịch bản có khả năng xảy ra thấp: Mỹ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công nghệ và áp đặt trật tự quốc tế về công nghệ lên các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày nhiều tham luận với góc nhìn đa chiều, chuyên sâu về xu thế hình thành trật tự quốc tế số và các vấn đề liên quan. Trong đó, các đại biểu đặc biệt tập trung hướng thảo luận về nội hàm, đặc điểm và các vấn đề đặt ra đối với trật tự quốc tế số trong tương lai. Một số đại biểu cho rằng trật tự quốc tế số hiện nay đang bị chi phối bởi nước lớn và các tập đoàn công nghệ hàng đầu; khoảng cách về công nghệ giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu ngày càng chênh lệch, bất đối xứng; nguy cơ các nước đang phát triển phụ thuộc công nghệ số do các nước lớn kiểm soát. Bên cạnh đó là các vấn đề nổi lên, tạo ra thách thức cho việc phát triển công nghệ và định hình trật tự quốc tế số như sự khác biệt về tầm nhìn giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế trong áp dụng công nghệ số giải quyết các vấn đè toàn cầu như biến đổi khí hậu, giám sát dịch bệnh; nguy cơ gia tăng bất đồng, cạnh tranh và thậm chí là xung đột giữa các nước lớn trong việc áp đặt về chủ quyền không gian mạng
Ngoài ra, luật pháp và các điều ước quốc tế về công nghệ số chưa được hoàn thiện và thúc đẩy nhất quán, việc diễn giải và áp dụng luật quốc tế trên không gian mạng còn nhiều sự khác biệt. Hiện nay mới chỉ có công ước của Hội đồng Châu Âu về trí tuệ nhân tạo và các quyền dân chủ con người có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực số. Tại Liên Hợp quốc mới đây đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng.
Nhiều kiến nghị cho Việt Nam được đưa ra
Trong bối cảnh trật tự quốc tế số đang dần được hình thành, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đã bao trùm các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt và xử lý. Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam tiếp tục đặt chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu và coi đó là sự lựa chọn không thể đảo ngược song song với việc nâng cao tự chủ chiến lược, tự lực tự cường về công nghệ; tiếp tục thúc đẩy và phát triển ngoại giao số, ngoại giao khoa học công nghệ, ngoại giao đổi mới sáng tạo thành các trụ cột của của ngoại giao phục vụ phát triển; cần tranh thủ sáng kiến của các nước lớn về công nghệ và chuyển đổi số; hoàn thiện khung thể chế và chính sách; tăng cường nghiên cứu, đánh giá, đóng góp vào việc định vị Việt Nam trong bản đồ phát triển công nghệ số của khu vực và quốc tế.
P.A.T (tổng hợp)