Khai mạc Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn lần thứ 8
Cập nhật vào: Thứ tư - 24/07/2024 00:02
Cỡ chữ
Chiều ngày 17/7/024, Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn lần thứ 8 (VSOA8) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định. Sự kiện này thu hút 28 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học viên từ 8 quốc gia khác nhau. Trường học VSOA8 được tổ chức bởi Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE và các nhà thiên văn thuộc Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam.
Toàn cảnh lễ khai mạc
Lớp học năm nay có sự tham gia giảng dạy của nhiều nhà khoa học uy tín như Tiến sĩ Phạm Tuyết Nhung từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tiến sĩ Norhasliza Yusof từ Đại học Malaya, Malaysia; Giáo sư Shu-ichiro Inutsuka từ Đại học Nagoya, Nhật Bản. Bên cạnh đó còn có Tiến sĩ Jaime Pineda từ Viện Max Planck về Vật lý ngoài Trái đất, Đức; Phó Giáo sư Hoàng Chí Thiêm từ Viện Khoa học Vũ trụ và Thiên văn Hàn Quốc (KASI); và Tiến sĩ Lê Ngọc Trẫm từ Đại học Leiden, Hà Lan.
Trường học VSOA8 tập trung cung cấp kiến thức về lý thuyết và thực nghiệm với chủ đề Vật lý sao, bao gồm sự hình thành và tiến hóa của các ngôi sao. Các học viên có cơ hội trao đổi sâu sắc và tương tác trực tiếp với giảng viên trong suốt khóa học, đồng thời kết nối mạng lưới với các đồng nghiệp khoa học cùng lĩnh vực.
VSOA là sáng kiến của Hội Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE, bắt đầu từ năm 2013, và được tổ chức hàng năm nhằm định hướng khoa học cho các nhà khoa học trẻ yêu thích thiên văn học. Đây là cơ hội để họ nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực đầy tiềm năng và mới mẻ này.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Giám đốc Trung tâm ICISE, nhấn mạnh rằng Vật lý Thiên văn là một trong những ngành khoa học phát triển mạnh và có nhiều tiềm năng khám phá quan trọng trong tương lai gần. Qua 8 lần tổ chức, Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn đã thu hút nhiều nhà khoa học trẻ từ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nghiên cứu thiên văn học tại Việt Nam.
VSOA tạo điều kiện cho sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, và các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam giao lưu, học hỏi từ các nhà khoa học quốc tế hàng đầu. Ngành thiên văn học đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhánh khoa học khác như vật lý hạt nhân, vật lý hạt, vật lý plasma, hóa học, và sinh học. Các câu hỏi lớn của vật lý hiện đại như năng lượng tối và vũ trụ giãn nở tăng tốc đều nằm trong phạm vi nghiên cứu của vật lý thiên văn.
Vật lý thiên văn có thể được coi là một phòng thí nghiệm tự nhiên với các điều kiện nhiệt độ và mật độ cực kỳ đa dạng, khác xa những gì có thể tạo ra trên Trái đất. Đây là một ngành khoa học hấp dẫn và phát triển nhanh chóng, xứng đáng có một vị trí quan trọng trong bức tranh khoa học của Việt Nam.
Đ.T.V (tổng hợp)